Trang Chủ » Kiến Thức Bệnh Học » Quy trình chọc hút dịch khớp
Quy trình chọc hút dịch khớp
Tìm hiểu về quy trình chọc hút dịch khớp trong điều trị bệnh tràn dịch khớp và một số bệnh lý xương khớp. Đây kiến thức cần thiết cho những người đang gặp vấn đề về tràn dịch khớp , giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn các bước chọc hút dịch khớp và những yêu cầu cần thiết khi thực hiện thủ thuật này.
Chọc hút dịch khớp là gì? Chọc hút dịch khớp được áp dụng khi nào?
Chọc hút dịch khớp là một thủ thuật thực hiện bằng cách dùng kim nhỏ đưa vào ổ khớp để chọc hút dịch khớp. Mục đích của chọc hút dịch khớp là chẩn đoán và điều trị một số bệnh khớp như viêm khớp mủ, viêm màng hoạt dịch khớp không đặc hiệu, tràn máu ổ khớp sau chấn thương.
Thủ thuật chọc hút dịch khớp được tiến hành trong thực tế lâm sàng bệnh khớp. Tuy chọc hút dịch khớp là một thủ thuật đơn giản, có thể tiến hành tại các phòng tiểu thủ thuật của các trung tâm, cơ sở y tế nhưng cần phải được tuân thủ theo đúng các nguyên tắc vô trùng và các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo độ an toàn, tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra đối với bệnh nhân.
Chọc hút dịch khớp được chỉ định trong trường hợp nào?
Chọc hút dịch khớp được áp dụng trong chẩn đoán, điều trị tràn dịch khớp gối và một số bệnh lý về khớp. Trong đó, xét nghiệm dịch khớp khi có viêm khớp và tràn dịch khớp do một trong số các nguyên nhân sau đây:
- Viêm màng hoạt dịch khớp chưa rõ nguyên nhân.
- Viêm màng hoạt dịch khớp nghi do nhiễm khuẩn, lao.
- Viêm màng hoạt dịch khớp trong các bệnh khớp như: thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mạn tính thiếu niên, viêm khớp vẩy nến…
- Tràn dịch khớp gối chu kỳ.
- Tràn dịch khớp sau chấn thương.

* Chú ý:
1.Không chỉ định chọc hút dịch khớp đối với các trường hợp:
- Bệnh nhân mắc bệnh ưa chảy máu.
- bệnh nhân đang điều trị bệnh bằng thuốc chống đông máu.
- Bệnh nhân bị tổn thương các vùng da tại vị trí cần chọc hút dịch khớp.
2. Thận trọng trong một số trường hợp:
- Người bệnh bị cao huyết áp, suy tim nặng, đái tháo đường hoặc chưa kiểm soát được đường máu.
- Người bị suy giảm miễn dịch nặng: cụ thể là bị HIV
Quy trình chọc hút dịch khớp
1- Nguyên tắc chọc hút dịch khớp
- Chọc hút dịch khớp phải được tiến hành trong phòng tiểu thủ thuật và phải được thực hiện theo đúng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện và nguyên tắc vô trùng.
- Người bệnh được thực hiện chọc hút dịch khớp phải tự nguyện và hợp tác khi thực hiện thủ thuật này.
- Dịch khớp cần được xét nghiệm trong vòng 8 tiếng ở nhiệt độ phòng và 24 giờ nếu được bảo quản dịch ở nhiệt độ từ 4-8°C.
2- Chuẩn bị trước tiến hành chọc hút dịch khớp
- Cán bộ y tế: Bác sĩ và y tá rửa tay và sát trùng bàn tay, đeo găng vô trùng.
- Bệnh nhân: nằm ngửa, được sát trùng vị trí chọc khớp bằng bông cồn iod.
- Chuẩn bị dụng cụ: Bông cồn iod sát trùng 1%, kim vô khuẩn cỡ 18, 20, bơm tiêm nhựa vô khuẩn 20ml-50ml, banh vô trùng, ống nghiệm vô khuẩn, lam kính xét nghiệm, băng dính y tế, băng chun cố định khớp khi cần thiết, hộp chống choáng.
3- Tiến hành chọc hút dịch khớp gối
Bước 1: Sát trùng vùng khớp cần chọc hút 3 lần bằng bông cồn iod 1%.
Bước 2: Xác định mốc chọc hút dịch khớp, có thể là đường trước trên hoăc đường cạnh bên khớp gối.
Bước 3: Tiến hành chọc và hút dịch khớp bằng bơm tiêm nhựa vô khuẩn và kim vô khuẩn.
Bước 4: Dùng băng dính vô trùng vị trí chọc kim vô khuẩn sau khi chọc hút dịch khớp.
Bước 5: Băng chun khớp gối để cố định tạm thời nếu cần thiết.
* Chú ý: Bác sĩ, y tá dặn dò bệnh nhân không xo bóp khớp sau khi thực hiện chọc hút dịch. Giữ khô vị trí chọc dịch ít nhất trong vòng 12-24 giờ. và hạn chế vận động khớp gối tối thiểu 24-48 giờ.
4- Xét nghiệm dịch khớp
Dịch khớp sau khi được chọc hút sẽ được thực hiện các xét nghiệm như sau:
- Phân tích dịch khớp bằng cách xác định các đặc điểm về màu sắc, độ nhớt của dịch khớp
- Xác định các vi tinh thể phosphat calci bằng kính hiển vi phân cực: để chẩn đoán phân biệt bệnh gút và bệnh viêm khớp do vi tinh thể.
- Xét nghiệm vi khuẩn: nhuộm Gemsa, nhuộm gram, nuôi cấy trên các môi trường để tìm vi khuẩn gây bệnh, xét nghiệm ELISA, PCR chẩn đoán bệnh lao khớp, nhiễm Chlamydia trachomatis, E coli, Yesinia,….
- Các xét nghiệm khác: tìm tế bào hình nho (Ragocyte) trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hạt vùi trong tế bào dịch khớp trong bệnh Reiter.
Biến chứng của chọc hút dịch khớp
Nếu không được tiến hành đúng theo nguyên tắc vô khuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chọc hút dịch khớp có thể gây ra các biến chứng sau đây:
- Nhiễm trùng khớp do không thực hiện đúng và đầy đủ các nguyên tắc vô trùng.
- Chọc trúng mạch máu, dây thần kinh do xác định sai mốc giải phẫu khi chọc dịch.
- Phản ứng cường phó giao cảm, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp… do bệnh nhân quá sợ hãi vì không được trấn an tâm lý và giải thích trước khi tiến hành thủ thuật chọc hút dịch khớp. và không được bác sỹ tư vấn, giải thích trước khi tiến hành chọc dịch khớp.
Bạn nên xem:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!