Viêm bao gân khớp gối thường gặp nhất là viêm bao gân bánh chè, xảy ra khi bao gân bánh chè bị viêm do vận động quá mức (chạy nhảy liên tục) ở gân này. Thông thường, viêm gân hay viêm bao gân ở khớp gối thường rất ít khi cần phẫu thuật. Trong trường hợp điều trị nội khoa kéo dài không có kết quả hoặc có biến chứng dính gân gây cản trở cận động thì phẫu thuật sẽ được xem xét.

Viêm bao gân khớp gối là gì?

Gân là phần trung gian nằm giữa cơ và xương bao gồm thân gân, phần nối với cơ – gân cơ và phần nối với xương – gân xương. Gân là một tổ chức chứa từ 50 – 70% nước, được cấu tạo bởi các sợi collagen tuýp 1, elastine và các chất đệm khác (Glycoaminoglycanes). Gân không chỉ đơn giản là phương tiện trung gian truyền lực từ cơ xuống khớp mà nó còn giúp tăng độ bền khi kéo dãn và bảo tồn năng lượng lúc chuyển động.

Gân được bao bọc bởi bao gân có cấu trúc như màng hoạt dịch, có lớp màng mỏng bên trong với dịch nhầy. Bao gân có vai trò như một ròng rọc cố định đường đi của gân. Viêm bao gân là tình trạng viêm xảy ra đồng thời ở cả gân lẫn bao hoạt dịch của gân.

Viêm bao gân khớp gối thường gặp nhất là viêm bao gân bánh chè. Đây là gân nối giữa xương bánh chè và xương cẳng chân (xương chày). Viêm bao gân bánh chè xảy ra khi bao gân bánh chè bị viêm do vận động quá mức (chạy nhảy liên tục) ở gân này.

Phân biệt viêm màng hoạt dịch và viêm bao gân

Nguyên nhân gây viêm bao gân khớp gối

Nguyên nhân gây viêm bao gân khớp gối, cụ thể là viêm bao gân bánh chè chủ yếu do những căng thẳng lặp đi lặp lại liên tục ở gân bánh chè gây tổn thương đến bao gân. Tình trạng này phổ biến ở các vận động viên thể thao như cầu thủ đóng đá, bòng rổ, bóng chuyền… hoặc những người chạy nhảy thường xuyên. Các yếu tố thúc đẩy nguy cơ viêm gân bánh chè:

  • Tình trạng quá tải của gối: Vận động liên tục và kéo dài, khởi động không kỹ.
  • Do chấn thương trong khi tập luyện hoặc lao động.
  • Tuổi tác: Thường gặp ở người trung niên, gân bị thoái hóa dần và thiếu máu nuôi dưỡng.
  • Mắc các bệnh lý: Viêm khớp do gout, viêm khớp dạng thấp, các bệnh về rối loạn chuyển hóa…
  • Đặc điểm giải phẫu bất thường: Xương bánh chè lên cao, chân lệch trục…

Biểu hiện khi bị viêm bao gân khớp gối

  • Khi bị viêm bao gân khớp gối, viêm bao gân bánh chè, bệnh nhân thường cảm thấy đau âm ỉ ở gân bánh chè và càng tăng dần.
  • Cơn đau tăng mạnh khi thực hiện động tác gấp duỗi gối hoặc khi chạy, nhảy, leo cầu thang, leo dốc, ngồi xổm, trèo cây…
  • Đau dai dẳng rồi tăng mạnh, sau đó giảm dần rồi lại tăng lên.
  • Đau thường xuất hiện vào ban đêm gây khó chịu, khó ngủ, mất ngủ.
  • Đau kéo dài dẫn đến cơ bắp chân bị suy yếu, hạn chế vận động.

Phẫu thuật viêm bao gân khớp gối

Viêm bao hoạt dịch gân gót chân và cách xử lý

Thông thường, viêm gân hay viêm bao gân ở khớp gối thường rất ít khi cần phẫu thuật. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị nội khoa với các thuốc giảm đau chống viêm non-steroid, thuốc giãn mạch kết hợp vật lý trị liệu, xoa bóp, tăng vận động cơ,… Trong trường hợp điều trị nội khoa kéo dài không có kết quả hoặc có biến chứng dính gân gây cản trở cận động thì phẫu thuật viêm bao gân khớp gối sẽ được xem xét.

Khi phẫu thuật cần gây tê vùng khớp gối hoặc toàn thân (nếu cần thiết). Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và chăm sóc cẩn thận. Sau đó luyện tập theo chỉ định của bác sĩ để phục hồi gân. Bệnh nhân có thể sinh hoạt bình trở lại sau 1 – 2 tháng nhưng hạn chế chơi thể thao và vận động mạnh ít nhất 1 năm. Các biến chứng có thể gặp phải sau khi phẫu thuật viêm bao gân khớp gối là nhiễm trùng, tụ máu, đau kéo dài không giảm,… Vì vậy, người bệnh cần phải chú ý tuân thủ các chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị để ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *