Trang Chủ » Kiến Thức Bệnh Học » Những tác dụng của lá vối với sức khỏe có thể bạn chưa biết
Những tác dụng của lá vối với sức khỏe có thể bạn chưa biết
Ngoài nước trà xanh thì trà lá vối được xem như một loại trà uống giải khát quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, lá vối còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và chữa nhiều căn bệnh thông thường. Tìm hiểu những tác dụng của lá vối với sức khỏe sẽ giúp bạn tận dụng tối đa các dưỡng chất từ lá vối và sử dụng thảo dược này để chữa bệnh hiệu quả khi cần đến.
5 Tác dụng của lá vối với sức khỏe có thể bạn chưa biết
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae), thường sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Cây thường cao khoảng 5 – 6 m, với cuống lá dài từ 1- 1,5 cm, phiến lá dai và cứng. Hoa vối có màu lục nhạt, trắng, gần như không cuống, Quả vối có hình trứng, khi chín có màu tím sẫm, chứa dịch. Lá vối và nụ vối đều tỏa ra mùi thơm đặc trưng của vối và thường được dùng làm thuốc để chữa bệnh.
Theo Đông y, cây vối có vị đắng, chát, tính mát, có ít độc với tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, sát trùng, tiêu trệ. Vì vậy, lá vối cùng với nụ vối thường được dùng làm trà uống hàng ngày để phòng bệnh hoặc kết hợp thêm một số thảo dược khác để chữa các chứng bệnh về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, ỉa chảy, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng; sát trùng chữa mụn nhọt, ghẻ lở; ngoại cảm phát sốt, sợ rét đau đầu…
Nhiều tài liệu nghiên cứu về tác dụng của lá vối đối vối sức khỏe cho thấy, trong nụ và lá vối có chứa saponin, tannin, alcaloid, acid triterpenic, vitamin, khoáng chất và tinh dầu có mùi thơm rất dễ chịu. Chất tannin trong lá vối giúp bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu giúp kháng khuẩn cao nhưng không gây hại cho các vi khuẩn có lợi ở hệ tiêu hóa. Ngoài ra, trong lá vối còn chứa nhiều chất kháng sinh có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi trùng Gram âm và Gram dương như Staphylococcus, Salmonella, Streptococcus, Bacillus subtilis, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu,… nên có thể dùng lâu dài để điều trị bệnh viêm đại tràng cũng như các chứng bệnh tiêu hóa khác.
Dân gian thường dùng nụ vối hoặc lá vối tươi hay lá vối khô nấu nước uống để giải khát ngày hè, phòng ngừa và chữa bệnh. Các thông tin sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của lá vối đối với sức khỏe và các sử dụng lá vối chữa bệnh đạt hiệu quả cao:
1. Lá vối có tác dụng chống ô xy hóa
Các kết quả thu được khi tiến hành thí nghiệm về tác dụng của lá vối cho thấy, lá vối có chứa nhiều thành phần chống oxy hóa cực kỳ mạnh, có khả năng tiêu diệt các gốc tự do, ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể, bảo vệ một số tế bào tuyến tụy và phục hồi các men chống oxy hóa của cơ thể.
Ngoài lá vối thì lá lốt cũng là một loại thảo dược có đặc tính chống oxy hóa cao, bạn có thể tìm hiểu về là lốt và cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp tại nhà bằng lá lốt để áp dụng khi cần.
2. Lá vối giúp đào thải độc tố trong cơ thể
Ở miền Bắc, người dân thường vò nát lá vối đun sôi với nước để uống thay nước trà giúp giải khát, thanh nhiệt, lợi tiểu. So với việc uống nước lọc thì trà lá vối có khả năng giải độc rất tốt, giúp đào thải độc chất qua đường tiết niệu nhưng không gây mất nước mà còn cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
3. Sát khuẩn và chữa bệnh ngoài da
Lá vối chứa các hoạt chất kháng sinh có khả năng sát trùng, kháng khuẩn giúp tiêu diệt các bệnh ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở, loét da, viêm da lở ngứa, bỏng da… rất hay. Cách dùng lá vối chữa bệnh ngoài da.
Chữa lở ngứa, chốc đầu bằng lá vối:
Lấy một lượng lá vối vừa đủ đem vò nát, sau đó nấu kỹ để lấy nước tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở cho hiệu quả rất cao.
Chữa viêm da lở ngứa :
Sắc lá vối lấy nước đặc để bôi lên các vùng da bị viêm và lở ngứa mỗi ngày nhiều lần.
4. Cải thiện hệ tiêu hóa nhờ là vối
Một trong những tác dụng của lá vối đối với sức khỏe được nhiều người biết đến chính là khả năng cải thiện hệ tiêu hóa một cách thần kỳ. Vì lá vối có tác dụng kiện tỳ, tiêu thực, trừ tích trệ; bảo vệ niêm mạc ruột, tiêu diệt vi khuẩn có hại mà không ảnh hưởng đến lợi khuẩn trong đường ruột nên giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, chữa các chứng đầy bụng ăn không tiêu, tiêu chảy, đại tràng mãn tính…. Cách dùng lá vối chữa bệnh như sau:
Chữa đầy bụng, không tiêu :
Dùng vỏ thân cây vối 6 – 12g đem sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày. Ngoài ra, có thể dùng nụ vối 10 – 15g để sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.
Chữa đau bụng đi ngoài :
Đem lá vối 3 cái, núm quả chuối tiêu 10g và vỏ ổi rộp 8g thái nhỏ và phơi khô; sau đó sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml thì chia uống 2 lần trong ngày, dùng liên tục 2 – 3 ngày sẽ khỏi bệnh.
Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ, thường xuyên đi phân sống:
Dùng khoảng 200g lá vối tươi rửa sạch, vò nát và xé nhỏ. Sau đó cho 2 lít nước sôi vào ngâm trong 1 giờ để uống thay nước thuốc chữa bệnh.
5. Nước lá vối giúp hỗ trợ điều trị bệnh gout
Ngoài khả năng chữa bệnh ngoài da, cải thiện hệ tiêu hóa, lá vối còn có một tác dụng ít người biết đến chính là chữa bệnh viêm khớp do gout. Những người có hàm lượng acid uric trong máu cao, người mắc bệnh gout có thể sử dụng lá vối và nụ vối bằng cách nấu nước uống hàng ngày. Trà lá vối sẽ giúp bài trừ độc tố trong cơ thể, tiêu tích, làm tan và đào thải acid uric ra ngoài. Từ đó, cải thiện các triệu chứng bệnh gout như sưng, nóng, đỏ, đau; hỗ trợ quá trình điều trị bệnh gout và phòng ngừa bệnh tái phát.
Đọc thêm: Những dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh gút dễ dàng để phát hiện sớm căn bệnh này và điều trị hiệu quả hơn.
Chú ý khi dùng nước lá vối chữa bệnh
- Lá vối ủ tuy uống thơm ngon hơn nhưng để làm thuốc chữa bệnh thì nên dùng lá tươi hoặc lá phơi khô sẽ cho hiệu quả cao hơn.
- Nên dùng trà lá vối sau khi ăn, không nên uống nước lá vối khi bụng đói và không uống nước lá vối quá đặc.
- Có thể thay nước uống hàng ngày mà không lo có tác dụng phụ. Tuy nhiên, với những người quá gầy, sức khỏe suy nhược thì không nên dùng lá vối và nụ vối.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!