Trang Chủ » Uncategorized » Nguyên nhân và cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ
Nguyên nhân và cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ
Thấp tim là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, có thể xảy ra sau khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Nếu không được điều trị sớm và tích cực, bệnh thấp tim sẽ để lại di chứng ở trẻ và đe dọa tính mạng lâu dài. Tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ là điều vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa những biến chứng của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh thấp tim ở trẻ
Bệnh thấp tim còn được gọi là thấp khớp cấp, là bệnh lý thường gặp ở trẻ em từ 6-15 tuổi hoặc một số trường hợp ở lứa tuổi 20. Thấp tim cũng là được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý van tim ở những người trẻ tuổi, đe dọa đến cuộc sống và tính mạng nhiều người.
Trẻ em là đối tượng chính của bệnh thấp tim. Nguyên nhân gây bệnh thấp tim ở trẻ được tìm thấy là do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A đường hô hấp trên (streptocuccus A). Có khoảng 60% type gây bệnh khác nhau và liên cầu gây viêm họng thuộc các type 1, 2, 4,12. Sau khi trẻ bị viêm họng nặng do liên cầu , có đến 30% trường hợp mắc bệnh thấp tim.
Thấp tim không do liên cầu trực tiếp gây ra mà thông qua cơ chế miễn dịch của cơ thể. Liên cầu khuẩn A có lớp vỏ ngoài là các protein M,T và R. Khi xâm nhập vào cơ thể khiến hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể chống lại các protein của vi khuẩn. Tuy nhiên, các protein ở các tổ chức mô liên kết của cơ thể cũng có đặc tính trùng hợp rủi ro với protein của vi khuẩn nên gây phản ứng chéo với cơ thể. Trong số các protein trên thì protein M không những là yếu tố đặc hiệu miễn dịch mà còn là yếu tố gây thấp mạnh nhất, dẫn đến căn bệnh thấp tim. Ở những trẻ dưới 5 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện đầy đủ nên phản ứng chéo của cơ thể chưa đủ hiệu lực gây ra thấp tim.
Bệnh thấp tim có di truyền không ?
Sau khoảng 3 tuần bị viêm đường hô hấp do liên cầu trẻ mới có các triệu chứng của bệnh thấp tim bao gồm các triệu chứng toàn thân, biểu hiện viêm khớp, tim, hệ thần kinh, ở da… Nếu không được điều trị sớm và tích cực, bệnh sẽ để lại di chứng ở trẻ và đe dọa tính mạng lâu dài.
Cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ
Bệnh thấp tim có thể tiến triển âm thầm đến khi biến chứng vào đến tim (gây bệnh van tim) mới xuất hiện triệu chứng. Vì vậy, việc phòng bệnh thấp tim có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa những biến chứng của bệnh.
1- Giáo dục sức khỏe
Bệnh thấp tim là do liên cầu tan huyết nhóm A gây ra nên những biện pháp giáo dục sức khỏe là vô cùng cần thiết. Cha mẹ và thầy cô cần giáo dục cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Thường xuyên vệ sinh cơ thể, đặc biệt và vệ sinh vùng mũi họng. Giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng vào mùa đông, không để bị nhiễm lạnh. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cho trẻ tham gia các môn thể thao vừa sức hoặc tập các bài thể dục phù hợp với lứa tuổi.
Các món ăn tốt cho người mắc bệnh thấp tim
2- Điều trị viêm họng dứt điểm
Khi phát hiện thấy trẻ có các biểu hiện viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang…thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị dứt điểm. Không nên chữa bằng các biện pháp dân gian hoặc cúng bái, khiến bệnh lâu ngày không khỏi dễ dẫn đến biến chứng thấp tim.
3- Phát hiện sớm các biểu hiện thấp tim
Chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện các biểu hiện bất thường. Nếu phát hiện thấy trẻ bị viêm họng nhiều lần, kèm theo đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở khớp, sốt, tức ngực, khó thở, đau tim, các biểu hiện về tâm thần vận động, múa vờn không tự chủ… thì cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4- Tiêm phòng thấp tim
Tiêm phòng thấp tim ở những trẻ đã bị thấp tim sau khi điều trị ổn định là điều cần thiết để phòng bệnh tái phát. Dùng Penicilin ngăn bệnh thấp tim tái phát là lựa chọn hàng đầu trong điều trị thấp tim vì nó giúp tiêu diệt liên cầu khuẩn hiệu quả và giá lại rẻ. Tiêm phòng bằng thuốc penixilin đào thải chậm có thời gian tối thiểu là 5 năm. Nếu trong thời gian này mà trẻ vẫn bị tái phát thấp tim thì phải tiêm đến 21 tuổi hoặc suốt đời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!