Trang Chủ » Đau mỏi vai gáy » Mẹo giúp giảm đau vai gáy cho bà bầu
Mẹo giúp giảm đau vai gáy cho bà bầu
Đau vai gáy là tình trạng thường gặp ở nhiều thai phụ khiến các mẹ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Với các mẹo giúp giảm đau vai gáy cho bà bầu được chúng tôi chia sẻ, các chị em bầu bì có thể nhanh chóng thoát khỏi những cơn đau ở vai gáy, tập trung chăm sóc sức khỏe của bản thân và bé yêu tốt hơn.
Vì sao các mẹ bầu thường hay bị đau vai gáy ?
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi, dẫn đến các cơ cơ quan trong cơ thể cũng biến đổi theo. Các dây chằng ở hông, lưng, đầu gối, cổ vai gáy bị căng giãn và rất dễ bị tổn thương. Hiện tượng tăng cân khi mang thai cũng gây áp lực lên các cơ và dây thần kinh ở vùng vai gáy, khiến vai gáy bị đau nhức mỏi. Bên cạnh đó, tư thế đứng ngồi hay nằm ngủ sai tư thế cũng khiến đôi vai chịu nhiều áp lực và gây đau vai.
Các triệu chứng đau vai gáy mà các mẹ bầu thường gặp phải là đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng cổ, gáy, nhức nhối khó chịu. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoăc lan xuống vai, cánh tay nhưng không gây hạn chế vận động. Đau thường tăng mạnh khi đi đứng, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động đốt sống cổ và giảm khi nghỉ ngơi. Nếu bệnh kéo dài có thể gây co cứng cơ, tê tay, yếu liệt cơ, teo cơ…
Ngoài những nguyên nhân thường gặp trên đây, đau vai gáy ở các mẹ bầu có thể là do các vấn đề sau:
- Tiền sản giật và hội chứng rối loạn huyết áp (HELLP)
Mẹ bầu có thể bị đau vai, đau lưng dưới, huyết áp cao, mạch đập nhanh, phù mặt hoặc tay, nôn ọe, tăng cân bất thường, tầm nhìn bị thay đổi… Đây được xem là một biến chứng nguy hiểm có nguy cơ gây bệnh tật và tử vong ở bà mẹ và thai nhi rất cao nên các mẹ không được bỏ qua.
- Mang thai ngoài tử cung
Ngoài đau vai, mẹ bầu còn bị đau cổ do các mạch máu vỡ đè lên cơ hoành. Khi tình trạng trở nên nguy kịch có thể gây đau vai, đau bụng và đau lưng dữ dội hoặc chảy máu âm đạo. Bệnh thường khó chuẩn đoán nên các mẹ cần thận trọng với các biểu hiện mà mình đang gặp phải.
- Viêm màng não
Viêm màng não có thể gây đau đầu, đau cổ, sốt. Bệnh có thể lây từ mẹ sang con nên các mẹ cần được kiểm tra và theo dõi trong suốt thai kỳ.
- Vấn đề về tiêu hóa và sỏi mật
Trong khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ sẽ gặp nhiều vấn đề như đầy hơi và loét dạ dày nên hoạt động chậm lại. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến túi mật và dẫn đến sự hình thành sỏi mật gây đau bụng và đau bên vai phải. Các mẹ cần hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, nhiều chất béo để ngăn ngừa và cải thiện tình hình.
Để chuẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau vai gáy, các mẹ cần được thăm khám lâm sàng và thực hiện các kiểm tra như chụp X-quang cột sống cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI), đo điện cơ… Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể.
Các mẹo giảm đau vai gáy cho bà bầu
Để giúp giảm đau vai gáy, các mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể:
Điều chỉnh đúng tư thế sinh hoạt để giảm đau vai gáy
- Tư thế đi, đứng
Khi đi, mẹ bầu nên đi chậm, mang giày đế bằng thấp. Nếu phải đứng thường xuyên, hãy đứng thẳng, hai chân để rộng ngang vai để giảm áp lực ở đôi vai, không đứng với một tư thế quá lâu mà nên thường xuyên thay đổi tư thế, vận động chân để tránh co cứng cơ.
- Tư thế nằm, ngủ
Không nằm gối quá cao khiến cột sống cổ bị lệch, khi gối nên gồi phần đầu và cổ không nên kê xuống vai. Khi ngủ, các mẹ nên nghiêng người sang trái để bảo đảm quá trình lưu thông máu ở bào thai, đồng thời cũng giúp thận hoạt động tốt và hạn chế áp lực lên cột sống. Tuy nhiên, các mẹ không chỉ nằm nghiêng sang trái mà thỉnh thoảng chuyển sang phải với một chiếc gối kê dưới bụng. Nếu nằm ngửa, hãy kê gối ở dưới tay và chân, giữa hai đầu gối, dưới hông để tăng tuần hoàn máu.
- Tư thế khi làm việc
Khi làm việc nhà, các mẹ bầu nên hạn chế làm các công việc phải ngửa cổ hay cúi cổ quá lâu như lau cửa, lau quạt trần, lau đèn hay lau đồ trên cao. Nếu làm việc với máy vi tính, nên thả lỏng vai, đặt cổ tay và cẳng tay ngang, vuông góc với khuỷu tay; giữ cổ thẳng trục với cột sống; ngồi thẳng lưng, có kê gối mỏng ở thắt lưng. Khoảng 45 phút – 1 tiếng thì nghỉ giải lao 1 lần.
Tắm nước ấm và massage cơ thể
Tắm nước ấm sẽ giúp lưu thông các mạch máu và làm dịu các cơn đau vai gáy tốt hơn. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên massage vùng cổ, vai, gáy vào mỗi buổi tối để giúp cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không có nhiều kỹ nặng trong việc này, các mẹ hãy đến các trung tâm massage uy tín để được hỗ trợ.
Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Đối với các mẹ bầu thì cần chú ý vấn đề dinh dưỡng gấp đôi người bình thường để chăm sóc sức khỏe cho cả bà mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai nên bổ sung các khoáng chất canxi, kali, magie, vitamin nhóm B, C, E, D, K để giúp hệ xương khớp khỏe mạnh và giảm đau vai gáy nhanh hơn. Tham khảo các món ăn tốt cho người bị đau vai gáy để bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Tập thể dục thường xuyên
Các bác sĩ sản khoa và các chuyên gia xương khớp luôn khuyến khích các mẹ bầu thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để giúp cơ thể dẻo dai và tăng sức đề kháng. Những bài tập đơn giản ở vùng cổ và vai sẽ giúp các mẹ thoát khỏi những cơn đau mỏi. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng có thể tham gia các môn thể thao phù hợp cho phụ nữ mang thai như bơi lội, đi bộ, tập yoga… để thư giãn cơ thể, giải tỏa căng thẳng và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn. Tốt nhất, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia để được tư vấn phương pháp luyện tập đúng đắn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!