Trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm chứng đau vai gáy. Rất nhiều mẹ lo lắng mang thai bị đau vai gáy phải làm sao cho khỏi? Chuyên mục daumoixuongkhop.net sẽ hướng dẫn bạn cách khắc phục những cơn đau vai gáy khi mang thai hiệu quả nhờ điều chỉnh các thói quen sinh hoạt hợp lý nhé.

Mẹ Hoàng Anh (31t, Hà Nội) chia sẻ với daumoixuongkhop.net rằng: “Mình mới mang thai lần đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm lắm. Khi mình mang thai được 6 tháng thường hay bị nhức mỏi ở vai gáy, cả người cứ uể oải chả muốn làm gì cả, chỉ muốn nằm nghỉ thôi. Nhiều đêm đang ngủ bị đau nhức kinh khủng nên mất ngủ luôn, đến sáng dậy người càng mệt hơn. Mang thai bị đau vai gáy như vậy phải làm sao hết đây, chuyên mục tư vấn giúp mình với…”

Vì sao khi mang thai bị đau vai gáy?

Đau vai gáy là một hội chứng thường gặp ở nhiều đối tượng, trong đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị đau vai gáy rất cao. Nếu bị đau vai gáy thường xuyên trong thai kỳ, các mẹ bầu không được chủ quan vì triệu chứng này có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:

1- Do nội tiết tố thay đổi

Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người mẹ bị xáo trộn, các hormone relaxin và progesterone được tiết ra nhiều khiến cho dây chằng ở cổ, vai, lưng, hông bị căng giãn quá mức. Hệ thống dây chằng ở vùng cổ vai bị kéo căng khiến các mẹ thường xuyên cảm thấy đau mỏi và khó chịu. Chưa kể, khi mang thai thì trọng lượng cơ thể mẹ cũng tăng lên, điều này cũng phần nào gây áp lực lên xương khớp ở vùng vai và cột sống dẫn đến một số triệu chứng đau vai gáy, đau lưng.

2 – Ngủ sai tư thế 

Nằm ngủ sai tư thế cũng khiến các chị em mang thai bị đau vai gáy. Thông thường, các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên các mẹ nên  ngủ ở tư thế nghiêng người sang bên trái để đảm bảo cho máu được lưu thông tới nhau thai. Tư thế này cũng giúp ích cho hoạt động của thận và giảm áp lực lên cột sống. Tuy nhiên, các chị em cũng không nên giữ mãi một tư thế như vậy vì nó sẽ cản trở quá trình lưu thông máu của vai, chèn ép lên các cơ vùng cổ vai gáy khiến vai bị co cứng và đau mỏi sau khi ngủ dậy.

3- Mắc bệnh xương khớp

Những mẹ bầu mắc bệnh về xương khớp như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh…. cũng có thể bị đau vai gáy, mỏi cổ, đau lan tới mang tai, thái dương, hoặc xuống cả cánh tay, nghỉ ngơi cũng không đỡ.

4 – Hệ tiêu hóa có vấn đề

Khi mang thai, hệ tiêu hóa của người phụ nữ hoạt động khá kém. Các mẹ bầu thường tiêu hóa thức ăn chậm hơn người bình thường và điều này lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến túi mật, thậm chí có thể gây sỏi mật –  một trong những nguyên nhân dẫn đến các cơn đau ở bụng và vùng vai bên phải.

5 – Tiền sản giật

Tiền sản giật là một loại rối loạn thai nghén cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong cả mẹ và bé. Triệu chứng đặc trưng của hội chứng tiền sản giật là huyết áp cao, ngoài ra các mẹ cũng có thể bị đau vai, đau lưng dưới, phù mặt hoặc tay, nôn ọe, tầm nhìn bị thay đổi, mạch đập nhanh…

6 – Mang thai ngoài tử cung

Mang thai bị đau vai gáy do mang thai ngoài tử cung thường hiếm gặp nhưng không phải chưa từng xảy ra. Phụ nữ bị mang thai ngoài tử cung thường xuyên bị đau bụng dữ dội kéo theo những cơn đau ở vai và lưng, hông chậu kèm theo nôn, đau đầu nhẹ và chảy máu âm đạo.

Mang thai bị đau vai gáy phải làm sao?

Ngoại trừ 3 nguyên nhân đầu tiên có thể khắc phục, nếu các mẹ bầu bị đau vai gáy là do tiền sản giật hay mang thai ngoài tử cung thì phải hết sức thận trọng và phải có sự can thiệp y tế ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ, các mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra để xác định được nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời.

Với nguyên nhân gây đau vai gáy khi mang thai là do sự thay đổi về nội tiết tố hay do tư thế sinh hoạt, các mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây để giảm đau và thư giãn vùng vai gáy tốt hơn:

⇒ Vận động đúng tư thế

Điều chỉnh tư thế sinh hoạt và vận động hợp lý sẽ giúp giảm bớt áp lực lên đôi vai và giúp các mẹ giảm đau vai gáy tốt hơn. Các mẹ cần lưu ý thực hiện đúng các tư thế sinh hoạt sau đây:

  • Tư thế nghỉ ngơi

Các bà bầu không nên nắm gối quá cao vì nó vô tình sẽ ảnh hưởng đến các đốt sống và chèn ép lên dây thần kinh ở cột sống cổ. Khi ngủ chỉ dùng gối mềm cao khoảng 8-10cm, gối đầu và cổ, không nên gối phần vai. Nếu xem tivi hay đọc sách thì nên tựa đầu vào thành ghế, tránh nằm nghiêng ngẹo cổ sang một bên.

Khi ngủ các mẹ cũng nên thỉnh thoảng đổi sang tư thế nằm nghiêng bên phải với một chiếc gối kê dưới bụng, thay vì cứ nằm nghiêng bên trái. Các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời khuyên cho các bà bầu là hãy dùng những chiếc gối nhỏ kê ở tay và chân với tư thế nằm ngửa, hoặc kẹp một chiếc gối vào giữa hai đầu gối nếu nằm nghiêng để giảm đau vai và giúp mẹ ngủ ngon giấc hơn.

  • Tư thế đi đứng và làm việc

Phụ nữ mang thai cần tránh các động tác mạnh; không mang vác vật nặng hay nghiêng cổ về một bên; hạn chế các hoạt động cúi, ngửa cổ quá lâu như lau sàn nhà, quét trần nhà, lau cửa, lau tủ…

Mẹ bầu cũng cần chú ý đi đứng cẩn thận, không nên mang giày cao gót mà hãy đi giày đế bằng và thấp. Nếu đi đứng nhiều thấy mỏi thì nên nghỉ ngơi, không được cố sức. Khi đứng nên đứng thẳng, hai chân dang ngang bằng vai để tạo sự cân bằng cho cơ thể, giúp máu lưu thông tốt và giảm áp lực lên đôi vai.

Với những mẹ bầu nào thường xuyên làm việc với máy vi tính thì nên ngồi thẳng lưng, thả lõng hai vai, có thể kê chân lên một cái ghế thấp để chia đều áp lực lên nhiều phần khác nhau của cơ thể khi thai nhi càng ngày càng lớn. Không nên ngồi làm việc liên tục mà nên đứng lên vận động 5-10 phút sau 1 giờ làm việc. Những động tác đơn giản tại chỗ như quay cổ, xoay người, xoa bóp vai nhẹ nhàng sẽ giúp các mẹ giảm mỏi cổ và vai, cánh tay tốt hơn.

⇒ Chườm nóng hoặc tắm nước ấm

Sử dụng túi chườm nóng là biện pháp đơn giản giúp giảm thiểu các triệu chứng đau mỏi vai gáy nhanh chóng. Trong trường hợp đau vai cấp, các mẹ có thể dùng túi chườm nóng chườm vào vùng vai gáy bị đau nhức để cải thiện lưu thông máu, giảm căng cứng cơ và thư giãn các dây thần kinh. Ngoài ra, tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng giúp làm giảm triệu chứng đau vai gáy, hỗ trợ lưu thông máu, giúp các mẹ dễ ngủ và có giấc ngủ sâu.

⇒ Dinh dưỡng đầy đủ

Khi mang thai, các mẹ bầu thường hay bị thiếu hụt canxi và nhiều khoáng chất quan trọng. Vì vậy, mẹ cần tăng cường sử dụng các thực phẩm có lợi như thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại rau xanh và trái cây để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như canxi, kali, sắt, magie và các vitamin A, B, C, D, E, K…

⇒ Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục là một thói quen tốt, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Tập thể dục đều đặn và thường xuyên mỗi ngày với các bài tập phù hợp sẽ giúp hỗ trợ thai nhi phát triển và tăng cường thể chất cho mẹ. Các bài tập cho vùng đầu, cổ , vai gáy, cánh tay có tác dụng giảm đau cơ và giúp máu huyết lưu thông, khắc phục được các tổn thương ở vùng này. Mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, các chuyên gia vềsản phụ khoa hoặc cơ xương khớp để được tư vấn các bài tập phù hợp với cơ thể nhé.

⇒ Massage vùng cổ vai gáy

Massage là một giải pháp giảm đau và thư giãn cơ thể được khoa học công nhận và ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Nếu có điều kiện, các mẹ bầu nên đến spa hoặc các trung tâm massage uy tín để được chăm sóc bài bản. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện hoặc không có nhiều thời gian, các mẹ vẫn có thể tự thực hiện hoặc nhờ người nhà massage cổ vai gáy cho mình theo các hướng dẫn sau đây nhé:

Động tác 1: Dùng tay trái massage vai phải, bắt đầu xoa từ phần cuối của xương sọ, rồi đến gáy, tới vai, trượt dài xuống cánh tay tới tận khuỷu tay. Sau đó, xoa ngược lại lên vai và qua gáy. Lặp lại động tác này 3 lần rồi đổi sang thực hiện tương tự với vai phải.

Động tác 2: Dùng đầu các ngón tay miết dọc gáy, cổ rồi đến vai. Lúc đầu miết nhẹ, sau đó tăng lực mạnh dần cho đến khi thấy tay nóng lên.

Động tác 3: Dùng tay đấm nhẹ từ vùng cổ xuống hết vai phải rồi chuyển sang đấm nhẹ bên vai trái. Chú ý động tác phải nhẹ  nhàng, tay nắm hờ chứ không co gồng mạnh.

Động tác 4: Dùng 2 bàn tay xoa mặt nhẹ nhàng từ trong ra ngoài. Sau đó thực hiện tương tự với vùng cổ, vai, cánh tay và các đầu ngón tay.

Bài tập này với các động tác thực hiện hết sức đơn giản, không cần người hỗ trợ các mẹ vẫn có thể tự thực hiện được. Sau khi massage, mẹ bầu sẽ thấy các vùng cơ mỏi, đau nhức dần dần tan biến.

Hiện tượng mang thai bị đau vai gáy có thể được khắc phục bằng cách điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt kết hợp vật lý trị liệu. Tuy nhiên, nếu sau khi áp dụng các biện pháp này mà mẹ bầu vẫn không thấy đỡ chút nào thì nên đi kiểm tra sớm để phát hiện bệnh trạng và xử lý kịp thời nhé.

Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh!

BẠN ĐỌC NÊN TÌM HIỂU THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *