Dùng thuốc giảm đau xương khớp là giải pháp đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến khi gặp phải những cơn đau nhức mỏi ở xương khớp. Tuân thủ những nguyên tắc sử dụng thuốc giảm đau xương khớp sẽ giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi cơn đau hành hạ và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Đau nhức xương khớp là triệu chứng điển hình của các bệnh lý xương khớp và thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà những cơn đau khớp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Khi bị đau khớp, nhiều người thường tìm đến các loại thuốc giảm đau xương khớp với mong muốn khắc phục triệu chứng khó chịu này. Tuy nhiên, các thuốc giảm đau xương khớp cũng có những mặt lợi và mặt hại riêng nên khi sử dụng, bệnh nhân cần phải nắm vững các nguyên tắc để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất và hạn chế những tác hại không mong muốn.

Các loại thuốc giảm đau xương khớp phổ biến

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chủng loại thuốc giảm đau xương khớp, từ thuốc Tây y, thuốc Đông y, cho đến các thực phẩm chức năng. Trong đó, các loại thuốc tân dược được sử dụng phổ biến hơn cả. Thông thường, các thuốc giảm đau xương khớp được bác sĩ chỉ định sử dụng cho người bệnh sẽ dựa trên bậc thang thuốc giảm đau theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm:

  • Bậc 1:

Dùng các thuốc giảm đau xương khớp không phải opioid như paracetamol, acid acetylsalicylic (aspirin) và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Các thuốc giảm đau xương khớp này phù hợp với các trường hợp đau nhẹ đến trung bình.

  • Bậc 2:

Kết hợp các thuốc giảm đau xương khớp loại opioid yếu  như codein, tramadol với paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ để điều trị các cơn đau nhức có cường độ trung bình.

  • Bậc 3: 

Dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh như morphin, hydromorphon, methadon… để điều trị các cơn đau nặng, nghiêm trọng, dữ dội hoặc khi người người bệnh không đáp ứng với các thuốc giảm đau bậc 1 và 2.

Trong đó:

* Acetaminophen: Là thành phần có hoạt tính của hơn 600 loại thuốc kê đơn và không kê đơn, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc ho và thuốc cảm. Acetaminophen là lựa chọn đầu tiên và phổ biến đối với những trường hợp đau xương khớp mạn tính nhờ tính hiệu quả và an toàn cao.

* Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Bao gồm các thuốc như meloxicam (Mobic®), celecoxib (Celebrex®), diclofenac, ibuprofen,… Đây là nhóm thuốc giảm đau xương khớp cho hiệu quả cao hơn cả acetaminophen. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như xuất huyết dạ dày, phù, tăng huyết áp, tăng tạo huyết khối, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ,… nếu dùng quá liều hoặc trong thời gian dài.

* Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid): Bao gồm 2 loại là nhóm opioid yếu (codein, tramadol) và nhóm opioid mạnh (morphin, methadon,…). Thuốc có thể gây  buồn ngủ, mất thăng bằng, gây nghiện, suy hô hấp nặng hoặc thậm chí tử vong nếu dùng quá liều.

Nguyên tắc khi dùng thuốc giảm đau xương khớp 

Theo PGS-TS, BS Lê Anh Thư (Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam) cho biết: “Các thuốc chống viêm, giảm đau tức thì là một biện pháp điều trị quan trọng và hữu hiệu trong các bệnh lý cơ xương khớp. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp lâu dài và gây nhiều biến chứng, bệnh nhân cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, kinh nghiệm để tuyệt đối tránh các chống chỉ định nguy hiểm”.

Các bác sĩ và chuyên gia về cơ xương khớp cũng khuyến cáo bệnh nhân nên lưu ý một số nguyên tắc sau đây khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp:

–  Các thuốc giảm đau xương khớp chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, vì vậy cần phải kết hợp với điều trị nguyên nhân gây đau, cùng các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc như chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp, vật lý trị liệu.

– Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh và tình hình sức khỏe hiện tại, cùng tất cả những loại thuốc mà mình đang dùng để tránh tương tác thuốc. Đặc biệt là những người có tiền sử về căn bệnh dị ứng, bệnh mạn tính về tim mạch, thận, gan…

– Sử dụng thuốc giảm đau xương khớp đúng liều lượng và thời gian được bác sĩ hướng dẫn. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc mà chưa có chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng ngoài ý muốn gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không được sử dụng toa thuốc của bệnh nhân khác vì mức độ đau của mỗi người mỗi khác nhau, cơ địa của mỗi người bệnh cũng khác nhau.

– Theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc. Tái khám đúng hẹn hoặc định kỳ mỗi 2-4 tuần. Khi phát hiện cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc tác dụng phụ ngoài ý muốn sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cần báo ngay hoặc đến gặp bác sỹ để được xử trí kịp thời.

– Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc giảm đau xương khớp có chứa corticoid. Các thuốc corticoid thường có giá tiền thấp, hiệu quả nhanh nhưng nếu dùng lâu dài sẽ bị lệ thuộc kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, suy thượng thận, tụt huyết áp và có thể dẫn đến tử vong. Việc sử dụng thuốc corticoid phải được chính bác sĩ điều trị chỉ định (nếu cần).

Dùng thuốc để điều trị bệnh là quyền của mỗi người, nhưng bạn cũng nên tuân thủ các khuyến cáo và chỉ định sử dụng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình. Hy vọng những thông tin mà daumoixuongkhop.net chia sẻ có thể giúp bạn dùng thuốc giảm đau xương khớp đảm bảo an toàn và cho hiệu quả cao.

CÁC THÔNG TIN HỮU ÍCH CHO BẠN:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *