Trang Chủ » Bệnh xương khớp khác » Đau xương cụt ở mông điều trị như thế nào?
Đau xương cụt ở mông điều trị như thế nào?
BẠN ĐỌC HỎI:
Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi bị đau xương cụt ở mông điều trị như thế nào ? Năm nay tôi 39 tuổi, tôi bị đau xương cụt ở gần mông đã hơn 2 tuần nay. Cứ ngồi làm việc chừng 15-20 phút là tôi thấy đau và nhức nhối, nếu nằm thì đỡ đau. Tôi ra bệnh viện huyện chụp X-quang thử xem sao thì bác sĩ bảo là bình thường, hỏi tôi có bị té ngã gì không. Tôi bảo không thì bác sĩ bảo có thể do tôi ngồi làm việc nhiều mà không đúng tư thế nên mới gây đau. Bác sĩ hướng dẫn tôi ngồi thẳng lưng nhưng tôi vẫn cứ thấy đau và mỏi không dứt. Bây giờ tôi có nên đi khám lại không? Nếu phải điều trị thì cách điều trị là như thế nào? Mong bác sĩ giải đáp cho tôi. Xin cảm ơn.
(Chị Phạm Thị Thơm, Sóc Sơn, Hà Nội)
Đau xương cụt ở mông điều trị như thế nào?
BÁC SĨ TRẢ LỜI:
Chị Thơm thân mến, cảm ơn chị đã tin tưởng và chia sẻ thắc mắc của mình với chúng tôi!
Đau xương cụt ở mông là một triệu chứng khá thường gặp trong cuộc sống, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau xương cụt ở mông, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Theo BS. Nguyễn Thị Hòa (Bác sĩ đa khoa – Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dựa trên một số nguyên nhân thường gây đau xương cụt mà có cách điều trị như sau:
1 – Điều trị đau xương cụt ở mông do các nguyên nhân thông thường
Trong trường hợp này, đau xương cụt ở mông thường là do ngồi lâu, ngồi sai tư thế trong thời gian dài hay do chấn thương ở xương cụt (ngã đập mông xuống đất, va đập vào thành hoặc góc các đồ vật) dẫn đến xương cụt bị đè nén hoặc tổn thương và gây đau mỗi khi đi đứng.
Để giảm đau nhức, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động sau một thời gian cơn đau sẽ lui dần và bệnh sẽ tự khỏi. Trong thời gian này, người bệnh cần chú ý ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung canxi và các khoáng chất cho cơ thể. Tránh chơi thể thao hoặc thực hiện vận động mạnh. Nếu thấy đau quá có thể kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hoặc dùng thuốc giảm đau đặt vào hậu môn.
Nếu sau một thời gian bệnh vẫn không được cải thiện, người bệnh nên đi tái khám tại bệnh viện để xác định nguyên nhân chính xác.
2- Điều trị đau xương cụt ở mông do nguyên nhân sinh lý
Ở nữ giới, tình trạng đau xương cụt ở mông có thể bị chi phối bởi các yếu tố sinh lý như chu kỳ kinh nguyệt, khoang chậu sung huyết, tử cung xuất huyết… khiến dây thần kinh vùng khoang chậu bị phù và kéo theo các phản xạ gây đau mỏi lưng, mông. Phụ nữ tuổi trung niên trở nên cũng có thể bị đau xương cụt do dây chằng nối với tử cung bị giãn khiến tử cung hạ thấp xuống và gây đau thắt lưng, đau xương cụt. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, tình trạng đau xương cụt càng được biểu hiện rõ ràng hơn do các cơ quan nội tạng trong cơ thể và cột sống bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đối với nguyên nhân gây đau xương cụt ở mông là do yếu tố sinh lý, chị em không cần quá lo lắng vì tình hình sẽ được cải thiện sau khi cơ thể ổn định trở lại. Trong giai đoạn này, chị em nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh hoạt động mạnh, ăn uống điều độ và tập các bài thể dục phù hợp để giảm bớt cơn đau mà không cần phải dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu đau nhiều, các chị vẫn có thể hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
Nếu sau khi sinh mà vẫn bị đau xương cụt , chị em nên đọc thêm bài viết: Bị đau xương cụt ở mông sau sinh phải làm sao ?
3- Điều trị đau xương cụt ở mông do bệnh lý
Một số bệnh lý gây triệu chứng đau xương cụt ở mông bao gồm:
- Thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng – xương cùng
- Thoát vị đĩa đệm cột sống ( L5 – S1)
- Thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc xương cùng
- Gai đốt sống
- Viêm khớp dạng thấp (ở cột sống)
Ngoài ra, ở nữ giới, các chị em có thể bị đau xương cụt ở mông do một số bệnh lý phụ khoa và tiết niệu như:
- Viêm cơ quan sinh dục
- Vị trí tử cung bất thường ( tử cung quá ngả về trước hoặc ngả về sau)
- Vòng tránh thai bất thường (kích cỡ vòng tránh thai không phù hợp với buồng tử cung, độ đàn hồi của vòng tránh thai quá lớn hoặc vị trí của vòng tránh thai bị lệch… )
- Khối u ở khoang chậu (u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, khối u buồng trứng…)
- Bệnh đường tiết niệu (viêm thận mãn, viêm thận cấp, viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu…)
Nếu rơi vào một trong những trường hợp trên đây, tùy theo bệnh lý cụ thể mà bác sĩ điều trị sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, nguyên tắc điều trị là điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp tập vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hoặc các liệu pháp khác theo chuyên khoa để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Đối với những trường hợp nặng, điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định cho bệnh nhân được phẫu thuật. Dựa vào nguyên nhân gây đau xương cụt cụ thể, chẳng hạn như do bệnh lý xương khớp hay bệnh phụ khoa mà thực hiện phẫu thuật phù hợp. Phẫu thuật là phương án điều trị cuối cùng và có thể kèm theo biến chứng nên người bệnh cần phải cân nhắc thật kỹ.
Nói tóm lại, trường hợp của chị Thơm chưa đủ điều kiện để xác định nguyên nhân cụ thể. Vì vậy, chị nên đến bệnh viện uy tín tái khám để bác sĩ theo dõi và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhé.
Chúc chị sớm phục hồi sức khỏe!
BẠN ĐỌC NÊN XEM THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!