Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cản trở cuộc sống sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuân thủ 5 biện pháp dưới đây sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu những tác động của thời tiết đối với cơ thể, đặc biệt là hệ xương khớp.

Vì sao thời tiết thay đổi thường gây đau nhức xương khớp?

Thời tiết thay đổi kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe, thường gặp nhất là các bệnh về xương khớp như đau nhức xương xương, viêm khớp, thoái hóa khớp… Trong đó, người già là đối tượng mắc bệnh xương khớp phổ biến nhất mỗi khi “trái gió trở trời”.

Theo Y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện cực kỳ thuận lợi để các yếu tố gây bệnh (tà khí) như phong, hàn, thử, thấp… xâm nhập và cơ thể, ứ đọng lại ở các khớp xương và gây ứ trệ kinh lạc, khiến khí huyết kém lưu thông mà phát sinh chứng đau nhức mỏi ở các khớp. Y học hiện đại cũng công nhận sự thay đổi của thời tiết (nóng lạnh thất thường, lúc khô hanh lúc ẩm ướt) có thể gây ảnh hưởng đến các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt máu, dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch… và góp phần hình thành các cơn đau nhức xương khớp mỗi khi thời tiết thay đổi.

Cụ thể, sự thay đổi của thời tiết ảnh hưởng đến cơ thể như sau:

– Thời tiết lạnh vào mùa đông khiến máu lưu thông kém, lưu thông dịch khớp giảm khiến sự cọ sát giữa các đầu xương tăng lên và gây đau nhiều hơn.

– Vào mùa lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng khiến cho các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công cơ thể; từ đó gây viêm đau khớp.

– Áp suất không khí và độ ẩm không khí giảm trong mùa hè khiến các khớp bị giãn và chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh khiến bệnh nhân cảm thấy đau.

– Một số đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ tuổi mãn kinh, nhân viên văn phòng, người hoạt động thể lực nhiều cũng bị nhạy cảm hơn với sự thay đổi thời tiết và dễ mắc bệnh cơ xương khớp khi trời giá lạnh.

Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết phải làm sao?

Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cản trở cuộc sống sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để giảm thiểu các tác động của thời tiết đến cơ thể, đặc biệt là hệ xương khớp, mọi người cần tuân thủ các biện pháp khắc phục sau đây:

1/Giữ ấm cơ thể

Khi trời lạnh, khô hanh hay ẩm ướt, người bệnh nên mặc đủ ấm, giữ ấm cơ thể bằng quần áo giữ nhiệt, chăn điện hoặc máy sưởi. Không nên để tay chân tiếp xúc trực tiếp với khí lạnh hoặc trời mưa mà phải mang bao tay và tất chân.

Trong quá trình làm việc không ngồi quá lâu trong 1 tư thế mà nên thỉnh thoảng đứng lên, đi lại để giúp lưu thông máu ở các khớp. Với những người làm công việc nội trợ như rửa bát, giặt đồ… thì không nên ngâm tay vào nước lạnh quá lâu, hãy dùng găng tay dày để hạn chế tiếp xúc với nước.

Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê buốt hoặc cứng khớp thì nên làm nóng vùng khớp bị đau bằng dầu hoặc chườm, đắp đệm nóng để khớp được thư giãn và giảm đau hiệu quả. Tránh xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp bị viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau).

2/Ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ sức khỏe. Để giảm đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết, bạn cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mình. Tham khảo và áp dụng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh bằng cách:

– Đảm bảo hấp thu đầy đủ các vi chất cần thiết cho cơ thể bao gồm các loại vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa…, đặc biệt là canxi (xương động vật, cua, tôm, hải sản) để giúp hệ xương khớp chắc khỏe.

– Hạn chế các chất béo từ mỡ động vật và thay thế bằng các chất béo có lợi từ dầu cá, dầu thực vật giàu omega – 3.

– Hạn chế sử dụng các  thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng..) và đường (bánh kẹo).

– Tăng cường bổ sung các loại cá biển (cá hồi, cá trích, cá thu) và rau xanh, trái cây tươi (súp lơ xanh,  cải bẹ xanh, cải bó xôi, khoai lang, đậu nành, hạnh nhân, óc chó, cà chua, dâu tây, chanh, đu đủ, kiwi, bơ,…) để tăng cường sức khỏe xương khớp và giảm sưng đau khớp.

– Bổ sung các chất có lợi cho xương và sụn khớp như Glucosamine, Chondroitin, Collagen tuýp II, Hyaluronic Acid… để tái tạo các khớp bị tổn thương, tăng sản xuất chất nhày dịch khớp, giúp bôi trơn ổ khớp và cải thiện các triệu chứng bệnh xương khớp.

– Uống nhiều nước để duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương.

– Duy trì cân nặng hợp lý để tránh tạo áp lực cho các khớp và ngăn ngừa thoái hóa khớp sớm.

3/Vận động phù hợp

Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết khiến nhiều người lười hoặc sợ vận động. Tuy nhiên, vận động và luyện tập hợp lý được xem là một giải pháp hiệu quả giúp cải thiện các cơn đau khớp và nâng cao sức khỏe xương khớp. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng tại nhà hoặc tham gia các môn bơi lội, tập dưỡng sinh, tập yoga, tập aerobic hay đơn giản chỉ là đi bộ 30-45 phút mỗi ngày.

4/Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nhiều người có thói quen hễ đau là tự mua thuốc về uống nhưng lại không biết đến tác hại của việc này. Khi bị đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết, bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Tránh uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc được người này người kia mách bảo.

5/Áp dụng các biện pháp cổ truyền

Một số liệu pháp cổ truyền như xông hơi, châm cứu… có thể giúp người bệnh giảm thiểu các cơn đau nhức mỏi ở xương khớp nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, bạn cần phải lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện, tránh những địa chỉ kém chất lượng có thể khiến tình trạng sức khỏe của bạn trở nên tồi tệ hơn.

BẠN NÊN TÌM HIỂU THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *