Đau khớp ngón tay khi trời lạnh là một hiện tượng thường gặp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày ở nhiều người. Tham khảo những lời khuyên từ chuyên gia sẽ giúp bạn khắc phục hiệu quả những cơn đau khớp ngón tay trong thời tiết giá lạnh.

Đau khớp ngón tay khi trời lạnh là do đâu?

Theo chia sẻ của PGS.TS. BS Nguyễn Vĩnh Ngọc (Khoa Khớp – Bệnh Viện Bạch Mai) trên báo điện tử giadinh.net.vn, vào mùa đông trời lạnh, các bệnh về xương khớp có chiều hướng tăng cao. Các triệu chứng đau nhức, đau mỏi, tê cứng khớp biểu hiện rõ rệt khiến bệnh nhân khổ sở vì bị hạn chế sinh hoạt và vận động. Trong đó, hiện tượng thường gặp nhất phải kể đến là những cơn đau nhức ở khớp ngón tay mỗi khi trời trở lạnh khiến cho nhiều người không thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân; khó khăn khi cầm, nắm, mang, xách vật nặng…

Cũng theo PGS.TS. BS Nguyễn Vĩnh Ngọc, sự thay đổi thất thường của thời tiết (lúc nóng lúc lạnh, lúc khô hanh lúc ẩm thấp…) kéo theo sự thay đổi hàng loạt các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt máu và dịch khớp, sự kết tủa của muối, sự thay đổi nồng độ hóa chất trung gian trong cơ thể, sự thay đổi vận mạch… có liên quan đến các cơn đau khớp ngón tay trời lạnh. Các nghiên cứu của Y học hiện đại cho thấy, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh kèm theo độ ẩm tăng cao làm cho gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh khiến các khớp xương trở nên khô cứng, gây đau nhức và khó cử động. Y học cổ truyền cũng cho rằng thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để tà khí (phong, hàn, thử, thấp) xâm nhập vào cơ thể, khu trú tại các khớp xương khiến kinh lạc bị ứ trệ, khí huyết kém lưu thông mà dẫn đến chứng đau khớp, tê và cứng khớp.

Chưa kể, trời lạnh khiến nhiều người không muốn vận động nhiều, các thói quen tập luyện hàng ngày cũng bị giảm đi. Lúc này, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng khiến các tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn dễ dàng tấn công cơ thể và xâm nhập vào các cơ quan, trong đó có hệ xương khớp và gây ra một loạt các triệu chứng bệnh khớp như đau nhức, tê mỏi và cứng khớp.

Ngoài sự tác động của thời tiết thì những người tuổi cao, người bị suy giảm hormon sinh dục nữ, người hoạt động thể lực quá mức… cũng có nguy cơ bị đau khớp khi chuyển mùa. Ở người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể dần bị lão hóa, chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu và khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết khiến cho khí huyết bị giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch dẫn đến tình trạng đau nhức khớp xương. Ở những người phụ nữ tuổi mãn kinh (trên 45 tuổi), sự suy giảm hormon sinh dục nữ dẫn đến sự suy giảm mật độ xương và loãng xương, từ đó kéo theo những cơn đau nhức khớp xương mỗi khi thời tiết thay đổi. Người làm việc văn phòng hoặc người phải hoạt động thể lực quá mức cũng dễ gặp phải tình trạng trên do xương khớp bị quá tải và thoái hóa sớm.

Đau khớp ngón tay khi trời lạnh phải làm sao?

Triệu chứng đau khớp ngón tay trời lạnh thường gặp trong bệnh lý thấp khớp hay viêm khớp dạng thấp – một căn bệnh viêm khớp mạn tính nguy hiểm. Khi thời tiết trở lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, các yếu tố gây viêm không được kiểm soát sẽ làm cho các khớp bị sưng đau, vận động trở nên khó khăn (đặc biệt vào buổi sáng). Bệnh có thể dẫn đến cứng khớp, dính khớp, biến dạng khớp khiến bệnh nhân bị tàn phế vì vậy cần phải được phòng ngừa hoặc khắc phục sớm để hạn chế biến chứng.

Để khắc phục những cơn đau khớp ngón tay khi trời lạnh, bệnh nhân cần lưu ý một số lời khuyên sau đây:

1 –  Giữ ấm cơ thể

Vào mùa đông, trời lạnh hoặc những khi trời ẩm thấp, mưa phùn, bệnh nhân nên hạn chế ra ngoài và chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là bàn tay và bàn chân. Người bệnh nên thường xuyên mặc áo dày và ấm, đội mũ và đeo găng tay, mang tất chân. Nếu phải ra ngoài đường thì nên mặc thêm áo khoác, choàng khăn ấm, đeo khẩu trang… để tránh gió lạnh và khói bụi ô nhiễm.

Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh và các dung dịch tẩy rửa. Khi rửa chén bắt, giặt giũ quần áo, lau nhà,… thì nên mang găng tay để bảo vệ da tránh tiếp xúc với nước và các chất hóa học. Buổi tối, bệnh nhân nên tắm nước ấm hoặc ngâm tay chân trong nước muối ấm pha thảo dược (gừng, ngải cứu, lá lốt) để giúp cân bằng nhiệt độ, tăng tuần hoàn cho da, đào thải độc tố trong cơ thể. Nhà ở nên có điều hòa nhiệt độ, lò sưởi để xua tan khí lạnh.

2 – Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp

Chế độ dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý sẽ giúp tăng cường thể chất, tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật. Mọi người nên uống nhiều nước; ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây và các loại củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.

Thay vì sử dụng nhiều chất đạm và chất béo không tốt thì nên thay bằng chất đạm thực vật (đậu nành và các loại đậu khác) và chất béo có lợi ( các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá trích, cá thu…). Chú ý bổ sung đầy đủ canxi và các khoáng chất để làm chắc khỏe xương, làm chậm quá trình thoái hóa khớp xương và ngăn chặn các phản ứng viêm. Những người có thói quen sử dụng bia, rượu, hút thuốc lá… thường xuyên thì nên bỏ hẳn để tránh gây đau khớp kéo dài khó giảm, làm bệnh nặng hơn.

3 – Sinh hoạt và vận động hợp lý

Bệnh nhân cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, làm việc và sinh hoạt điều độ, vận động hợp lý để nuôi dưỡng xương chắc khỏe. Những người bị đau khớp ngón tay nên chú ý thư giãn đôi tay, tránh hoạt động bàn tay quá sức như tránh sử dụng bàn phím máy tính liên tục; tránh cầm, nắm mang, xách các vật quá nặng dễ gây đau khớp tái phát.

Nên thường xuyên tập luyện và xoa bóp các khớp ngón tay để khớp vận động linh hoạt. Các bài tập co, nắm, duỗi các ngón tay chủ động vài phút vào mỗi buổi sáng có tác dụng rất lớn trong việc giúp người bệnh giảm bớt các cơn đau khớp và co cứng khớp khi trời lạnh. Bệnh nhân có thể tham khảo thêm 5 bài tập giúp cải thiện tình trạng viêm khớp dạng thấp để tự thực hiện tại nhà cho kết quả tốt nhất nhé.

Trong trường hợp bạn đã thực hiện các biện pháp trên đây mà tình trạng đau khớp ngón tay trời lạnh vẫn kéo dài, không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa xương khớp để được tư vấn và điều trị cụ thể. Không nên tự ý mua thuốc về uống hoặc bôi thoa ngoài da khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn nhé.

BẠN ĐỌC CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *