Trang Chủ » Bệnh xương khớp khác » Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân tay chân
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân tay chân
Viêm bao gân ở tay và chân là tình trạng thường gặp trong các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, thoái hóa gân, rối loạn chuyển hóa, chấn thương trực tiếp hoặc do vận động quá mức, đột ngột, sai tư thế… Để phát hiện và điều trị sớm, bạn đừng bỏ qua các dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân tay chân dưới đây.
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân tay chân
Thông thường, viêm bao gân tay chân sẽ gây đau âm ỉ và kéo dài dai dẳng tại vùng gân bị tổn thương bao gân. Cơn đau khu trú tại chỗ, ít lan xa, đau liên tục ngày đêm và tăng lên khi vận động. Vùng gân bị tổn thương có dấu hiệu sưng đỏ, sưng nề, ấn vào thấy đau nhói, cử động cơ khó khăn vì đau. Tùy theo vị trí bao gân bị viêm ở tay hay chân mà có các dấu hiệu nhận biết cụ thể như sau:
1- Dấu hiệu nhận biết viêm bị viêm bao gân ở tay
Hội chứng De Quervain
Hội chứng viêm bao gân De Quervain còn được gọi là viêm bao gân vùng mỏm châm quay hay viêm gân dạng ngón cái dài và duỗi ngón cái ngắn. Hội chứng này có liên quan đến hai gân chi phối và vận động ngón cái là gân cơ duỗi ngắn ngón cái và gân cơ dạng dài ngón cái. Khi bao hoạt dịch gân cơ duỗi ngắn và gân cơ dạng dài ngón cái bị viêm sưng sẽ gây chèn ép và gây đau, hạn chế vận động của gân trong đường hầm và hạn chế vận động ngón cái.
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân:
- Bờ ngoài vùng mỏm trâm xương quay bị sưng đau, đau tăng cử động ngón tay cái, nhất là khi thực hiện động tác duỗi.
- Đau kéo dài và nghiêm trọng vào ban đêm.
- Sờ phần bao gân của mỏm trâm xương quay thấy nóng và đỏ, nếu ấn vào sẽ cảm thấy đau nhói.
- Vận động ngón tay cái phát ra tiếng cót két.
- Siêu âm có thể thấy được dịch bao quanh bao gân.
Hội chứng đường hầm cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay là hiện tượng các bao gân nằm trong ống cổ tay bị viêm gây chèn ép dây thần kinh giữa, khiến tay bị tê đau và suy yếu, nhất là ở ngón tay cái. Bệnh thường xảy ra sau khi bị viêm khớp dạng thấp, chấn thương vùng cổ tay hoặc do một số nghề nghiệp phải sử dụng nhiều cổ tay như ép, vặn, quay…
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân:
- Rối loạn cảm giác và dinh dưỡng: dị cảm, tê bì như kim châm, đau buốt và hạn chế vận động ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và gan bàn tay. Đau tăng mỗi khi duỗi cổ tay và vào ban đêm hoặc những khi trời lạnh.
- Vùng cổ tay sưng nhẹ.
- Các ngón tay bị yếu, giảm lực.
- Teo cơ ngón cái nếu viêm nặng.
Viêm bao gân gấp các ngón tay
Viêm bao gân gấp các ngón tay còn được gọi là hiện tượng ngón tay lò xo. Đây là tình trạng viêm bao gân gấp của các ngón tay gây hẹp bao gân, nếu xuất hiện cục viêm xơ sẽ dẫn đến di động của gân gấp bị cản trở, làm khó duỗi ngón tay.
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân:
- Khó gấp hoặc duỗi ngón tay, nhất là vào buổi sáng.
- Nắm tay lại sẽ thấy đau và cứng ở các khớp ngón tay và khó duỗi ra lại.
- Lúc đầu phải cố gắng mới bật ra được giống như lò xo, về sau thì không tự bật ra được mà phải cần có trợ giúp.
- Khi bệnh nặng, gập duỗi ngón tay làm phát ra âm âm thanh “lụp cụp” ở các khớp ngón tay.
Phân biệt viêm màng hoạt dịch và viêm bao gân
2- Dấu hiệu nhận biết viêm bị viêm bao gân ở chân
Viêm bao gân đầu gối
Gân đầu gối còn được gọi là gân bánh chè, nằm ở khớp gối nối giữa xương bánh chè và xương ống quyển. Khi người bệnh hoạt động quá mức (chạy nhảy liên tục) có thể gây viêm gân hoặc bao gân bánh chè.
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân:
- Đau âm ỉ ở gân bánh bánh chè, đau tăng khi vận động đầu gối (chạy nhảy, leo dốc, trèo cây, ngồi xổm…)
- Đau dai dẳng rồi chuyển thành dữ dội, sau đó giảm dần rồi lại tăng lên.
- Đau thường xuất hiện vào ban đêm gây khó chịu, khó ngủ, mất ngủ.
- Đau kéo dài dẫn đến cơ bắp chân bị suy yếu, hạn chế vận động.
Viêm gân gót Achille
Viêm gân gót Achille là tình trạng viêm điểm bám tận của gân gót chân, thường gặp ở những phụ nữ thường xuyên đi giày gót cao, vũ công, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường hay có dị tật ở xương gót…
Dấu hiệu nhận biết bị viêm bao gân:
- Sưng đau vùng gót chân.
- Nếu đi lại nhiều hoặc kiễng chân thì đau nhói, đau dữ dội.
- Gân gót sưng rõ, nếu sờ vào sẽ thấy nổi cục, nóng đỏ và đau khi ấn vào.
- Khi gấp duỗi bàn chân có lực cản thì đau tăng mạnh hơn.
- Khó đứng vững, hạn chế vận động.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!