Trang Chủ » Viêm khớp » Viêm khớp vai » Chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai như thế nào là đúng?
Chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai như thế nào là đúng?
Người bị viêm quanh khớp vai có thể bị hạn chế vận động khớp vai nếu không được xử lý kịp thời. Đặc biệt, sau khi điều trị, bệnh nhân cần được chăm sóc đúng cách để phục hồi chức năng khớp vai và vận động lại bình thường. Nếu bạn không biết “chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai như thế nào là đúng” thì những hướng dẫn dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn.
Viêm quanh khớp vai (Periarthritis humeroscapularis) là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý ở các tổ chức phần mềm cạnh khớp vai bao gồm gân, túi thanh dịch, bao khớp nhưng không bao gồm các tổn thương ở xương, sụn và màng hoạt dịch khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn… Bệnh viêm quanh khớp vai có nhiều thể bệnh tương ứng với các tổ chức bị tổn thương. Tùy theo mỗi thể viêm quanh khớp vai mà có phương pháp điều trị riêng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ lên phác đồ điều trị thích hợp với thể viêm khớp vai mà bệnh nhân đang gặp phải.
Chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai như thế nào là đúng?
Sau khi được chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân được chuyển lên khoa phục hồi chức năng để sớm lấy lại chức năng của chi trên. Bác sĩ hoặc các kỹ thuật viên trị liệu sẽ lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai thông qua việc cho bệnh nhân thực hiện vật lý trị liệu, vận động trị liệu kết hợp dinh dưỡng hợp lý để giúp phục hồi các tổ chức bị tổn thương và sự vận động của khớp vai, cánh tay.
1 – Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai
- Giảm đau cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai.
- Tăng vận động cho bệnh nhân.
- Hướng dẫn phục hồi chức năng cho bệnh nhân trong sinh hoạt và lao động.
- Tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai.
2- Chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai đúng cách
- Giảm đau và tăng vận động cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai
– Cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại phòng thoáng mát, ấm áp và sạch sẽ.
– Hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ nhàng nhưng không gắng sức trong 30 phút.
– Hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu:
+ Nhiệt trị liệu: Parafin, hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm để giúp giảm đau, giãn cơ, giảm viêm và giảm xơ dính khớp.
Ví dụ: Chiếu đèn hồng ngoại ở khớp vai 15 phút/ngày, bó Parafin vuông khớp vai (T), ngày 01 lần.
+ Điện phân ( Novocain, Salicilat….) có tác dụng chống viêm, giảm đau.
Ví dụ: Điện phân Novocain 3% trước sau vai (T) 15-20 mA 15 phút/ngày.
+ Điện xung để giảm đau.
– Hướng dẫn bệnh nhân tập vận động trị liệu:
+ Cho bệnh nhân tập các bài tập theo tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai. Trước khi tập phải làm mềm cơ, tăng lưu lượng tuần hoàn bằng nhiệt.
Ví dụ: Thực hiện bài tập với gậy, dây, thang tường, kéo ròng rọc,…
+ Xoa bóp, kéo giãn và di động khớp nhiều lần nhằm làm tăng tầm vận động khớp.
+ Thực hiện bài tập Codman đong đưa khớp vai để giúp bệnh nhân giảm đau vai, đồng thời cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.
- Hướng dẫn phục hồi chức năng cho bệnh nhân trong sinh hoạt và lao động
– Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có sử dụng tay như mặc áo quần, tắm rửa, chải tóc, gãi lưng… sao cho dễ dàng và thuận tiện, không ảnh hưởng đến tổn thương ở khớp vai.
– Giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng bệnh của mình và động viên bệnh nhân kiên trì tập luyện để tránh cứng khớp. Tránh lao động năng và tránh thực hiện các hoạt động gây tổn thương khớp vai nặng hơn.
– Đồng thời, hướng dẫn người nhà cách hỗ trợ bệnh nhân trong sinh hoạt, tạo điều kiện cho bệnh nhân được thoải mái về vấn đề tâm lý, đảm bảo bệnh nhân được nghỉ ngơi đầy đủ để hỗ trợ cho quá trình điều trị diễn tiến thuận lợi.
– Hướng dẫn bệnh nhân cách phát hiện dấu hiệu đau bất thường để bác sĩ kiểm tra lại.
- Tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai
Để phục hồi sức khỏe, đặc biệt là phục hồi chức năng vận động khớp vai tốt nhất, bệnh nhân cần quan tâm đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cụ thể:
– Chế độ ăn uống:
Cần cung cấp đủ lượng calo hàng ngày cho cơ thể, nên thay đổi thực đơn thường xuyên để nâng cao khẩu vị, ăn thành nhiều bữa nhỏ để cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt nhất.
+ Các thực phẩm bệnh nhân nên ăn bao gồm:
♦ Các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ giàu omega 3 để chống lại các phản ứng viêm trong cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh.
♦ Rau xanh (bông cải xanh, cải bó xôi…) và các loại củ quả (cà rốt, củ dền, bí đỏ, dâu tây, việt quất, quả mâm xôi…) giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
♦ Các loại gia vị như gừng, nghệ, tỏi có khả năng kháng viêm mạnh cũng rất có lợi cho người bị viêm quanh khớp vai.
♦ Các loại hạt và ngũ cốc như óc chó, hạnh nhân, mè đen, các loại hạt họ đậu… giàu chất chống oxy hóa và acid béo có lợi cho sự phục hồi cơ xương khớp.
♦ Uống đủ nước mỗi ngày để thúc đẩy quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
+ Các thực phẩm bệnh nhân không nên ăn bao gồm:
♦ Thực phẩm nhiều dầu mỡ và axít béo bão hòa như bơ, sữa, phô mai, dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chứa chất bảo quản…
♦ Bột mì, thực phẩm có lượng đường và muối cao như nước ngọt có ga, bánh kẹo, sữa có đường, thịt muối xông khói, xúc xích…
♦ Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt ngựa, thịt dê, thịt chó…
♦ Bia, rượu, cà phê, thuốc lá, các chất kích thích…
Chăm sóc bệnh nhân viêm quanh khớp vai đúng cách sẽ giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và sớm lấy lại chức năng của chi trên, khớp vai vận động bình thường trở lại. Vì vậy, bệnh viện và gia đình cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong giai đoạn này để chăm sóc người bệnh thật tốt, hỗ trợ quá trình hồi phục của bệnh nhân viêm quanh khớp vai.
BẠN ĐỌC CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!