Trang Chủ » Kiến Thức Bệnh Học » Cần lưu ý về chứng viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai
Cần lưu ý về chứng viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai
Viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai là một thể lâm sàng của bệnh viêm quanh khớp vai với hai triệu chứng chính là viêm bao hoạt dịch khớp vai và sự co thắt khớp vai. Người bệnh viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai có thể bị hạn chế vận động khớp nếu không điều trị kịp thời và tập luyện đúng cách.
Viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai là bệnh gì?
Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu về bệnh lý viêm quanh khớp vai. Viêm quanh khớp vai (Periarthritis humeroscapularis) là tình trạng viêm các tổ chức phần mềm cạnh khớp vai bao gồm gân, túi thanh dịch, bao khớp nhưng không bao gồm các tổn thương ở xương, sụn và màng dịch khớp. Viêm quanh khớp vai có thể chia thành 4 thể lâm sàng là:
- Đau vai đơn thuần thường do bệnh lý gân
- Đau vai cấp do lắng đọng vi tinh thể
- Giả liệt khớp vai do đứt gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay
- Viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày gây cứng khớp vai
Trong đó, viêm bao hoạt dịch khớp vai là tình trạng viêm ảnh hưởng đến bao chứa đầy dịch của khớp vai gọi là túi hoạt dịch. Túi hoạt dịch này có vai trò là hoạt động đệm giữa các xương, dây chằng và cơ gần khớp. Khi túi hoạt dịch bị viêm dẫn đến viêm bao hoạt dịch sẽ gây ảnh hưởng đến sự vận động của các tổ chức này và có thể gây đau co thắt khớp vai.
⇒ Như vậy, viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai là một thể lâm sàng của bệnh viêm quanh khớp vai với hai triệu chứng chính là viêm bao hoạt dịch khớp vai và sự co thắt khớp vai.
Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai thường là do chấn thương mạnh ở vùng vai do té ngã, tai nạn, tập thể thao quá sức và quá mức, các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại hoặc do thoái hóa gân.
Triệu chứng nhận biết viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai
1 Triệu chứng lâm sàng
– Đau co thắt ở khớp vai, đau tăng khi vận động khớp quá mức.
– Đau về đêm, nhất là khi nằm ngủ đè lên tay ở tư thế nằm nghiêng.
– Hạn chế vận động khớp vai cả chủ động và thụ động.
– Giảm vận động ổ khớp và xương cánh tay, khó thực hiện động tác giang tay và quay ngoài.
2- Triệu chứng cận lâm sàng
Chụp phim X-quang cho thấy khoang khớp bị thu hẹp (còn khoảng 5-10ml so với khi bình thường là 30-35ml), giảm cản quang khớp, các túi hoạt dịch và màng hoạt dịch biến mất.
Phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai
Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị bệnh là điều trị đợt cấp và điều trị duy trì bằng cách kết hợp các biện pháp chuyên khoa như điều trị bảo tồn, nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng,…
1- Nghỉ ngơi hợp lý
Trước tiên, bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động mạnh, tránh dạng tay quá mức hay nâng tay lên quá cao để giảm thiểu các cơn đau ở khớp vai.
2- Điều trị nội khoa
– Các cơn đau sẽ được khống chế bằng các thuốc giảm đau thông thường như Acetaminophen, Codein, Tramadol, Ultracet… theo liều riêng lẻ hoặc kết hợp dưới sự chỉ định của bác sĩ.
– Các thuốc chống viêm không steroid như Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam… cũng được bác sĩ kê đơn và phát huy tác dụng hiệu quả trong trường hợp này.
– Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tiêm Corticosteroid vào trong bao dịch để giảm viêm, giảm đau nhanh chóng.
3- Vật lý trị liệu
Với thể viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai, vật lý trị liệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động của khớp vai. Người bệnh được cho tập các bài tập chuyên biệt cho khớp vai do các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng chỉ dẫn. Tập thụ động khớp vai theo kiểu ròng rọc vòng qua đầu trong khoảng 2 phút/lần và 4 lần/ngày. Bài tập này vừa có tác dụng giảm đau vừa tăng cường sự hoạt động của khớp vai và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Viêm bao hoạt dịch co thắt khớp vai rất hiếm khi phải điều trị bằng phẫu thuật, phương pháp này chỉ áp dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết và bắt buộc.
4- Phòng ngừa
Sau điều trị 1- 3 tháng, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để theo dõi mức độ phục hồi của bao hoạt dịch khớp. Đồng thời, có chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý, tránh lao động quá mức trong thời gian dài, tránh thực hiện các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai. Người bệnh cũng cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật. Chú ý tránh tối đa các chấn thương ở khớp vai để ngăn ngừa bệnh tái phát.
BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM VỀ CÁC BỆNH LÝ LIÊN QUAN:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!