Trang Chủ » Bệnh xương khớp khác » Cách phòng bệnh viêm xương chậu sau sinh cho các mẹ
Cách phòng bệnh viêm xương chậu sau sinh cho các mẹ
Viêm xương chậu sau sinh là tình trạng thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ sau khi sinh con, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các mẹ. Tìm hiểu về cách phòng bệnh viêm xương chậu sau sinh sẽ giúp các chị em giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị viêm xương chậu sau sinh
Viêm đau vùng xương chậu (viêm khớp cùng chậu) là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, khi mang thai và cả sau khi sinh hoặc phụ nữ đang gặp phải một số bệnh lý phụ khoa, viêm đại trực tràng…
Ở phụ nữ mang thai, thai nhi ngày càng phát triển lớn sẽ gây chèn ép tiểu khung và dẫn đến ứ huyết vùng khung chậu và bàng quang. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến việc thải nước tiểu và có khả năng gây viêm nhiễm ngược dòng. Vi khuẩn khu trú trong vùng sinh dục tiết niệu sẽ lan đến vùng khớp cùng chậu và gây viêm nhiễm.
Phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh này rất cao. Bởi vì suốt thai kỳ, sàn chậu phải chịu áp lực lớn từ tử cung. Hormone nội tiết tố thay đổi tác động và khiến khung chậu giãn nở rộng để sinh em bé. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn cư trú sẵn ở vùng tiểu khung hay đường tiết niệu sinh dục xâm nhập vào và gây viêm xương chậu ở nữ giới.
Các mẹ sẽ gặp phải nguy cơ tiểu không tự chủ, đau khớp cùng chậu sau sinh, thậm chí kéo dài đến 12 tháng rồi mới giảm dần. Nếu đã từng bị viêm xương chậu trong lần mang thai và sinh con trước đó thì những lần sau cũng có nguy cơ tái phát rất cao.
Cách phòng bệnh viêm xương chậu sau sinh cho các mẹ
Viêm xương chậu sau sinh thường gây đau vùng thắt lưng cùng, đau giữa hai mông, đau vùng hông chậu ở một hoặc cả hai khớp gây cản trở việc vận động. Nhiều mẹ còn bị đau bụng dưới âm ỉ, đau khi đại tiểu tiện, tiết dịch hoặc chảy máu âm đạo bất thường kèm theo sốt, rét lạnh, buồn nôn, mất ngủ, lo lắng, buồn rầu… khiến sức khỏe các mẹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này dẫn đến không đảm bảo chất lượng sữa cho bé bú và gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc bé.
Các chị em có thể tham khảo và thực hiện 9 bài tập thể dục giảm đau khớp cùng chậu để cải thiện các triệu chứng của bệnh nếu đang mắc phải căn bệnh này.
Để phòng ngừa bệnh viêm xương chậu sau sinh một cách hiệu quả, các mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:
1- Giữ vệ sinh cơ thể
Các chị em phụ nữ cần giữ vệ sinh cơ thể tốt trong thời kỳ hành kinh để tránh nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục. Không sử dụng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh hoặc thụt rửa quá sâu khiến môi trường âm đạo bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
2- Điều trị tích cực các bệnh lý đường sinh niệu
Viêm xương chậu thường dễ bùng phát sau các bệnh viêm đại tràng, viêm trực tràng, viêm niệu đạo, bàng quang, niệu quản… và các bệnh lý viêm nhiễm cơ quan sinh dục như viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm tử cung, vòi trứng… Khi phát hiện cá dấu hiệu của bệnh này, chị em cần nhanh chóng đi khám và điều trị triệt để nhằm ngăn ngừa vi khuẩn lây lan và gây viêm nhiễm vùng chậu.
3- Uống nhiều nước và xử lý tốt các chấn thương
Các chị em cần uống nước đầy đủ, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Điều này giúp cơ thể giải độc tốt, giảm khả năng mắc bệnh sỏi tiết niệu gây viêm đường tiết niệu. Từ đó, giúp phòng bệnh viêm xương chậu hiệu quả hơn. Với những chị em nào chẳng may gặp phải các chấn thương ở vùng đáy chậu hay dập nứt niệu đạo thì cũng nên xử lý tốt.
4- Tập bài tập sàn chậu sau sinh
Tập luyện các bài tập khung xương chậu sau sinh có tác dụng tăng cường sức khỏe khung xương chậu. Phục hồi và hạn chếnguy cơ tổn thương khung xương chậu sau sinh. Dưới đây là bài tập sàn chậu phòng viêm xương chậu sau sinh mà các mẹ có thể tham khảo thực hiện:
- Bước 1: Bạn ngồi thẳng lưng trên ghế, đặt bàn chân và đầu gối rộng bằng vai. Giãn cơ bụng, ngực và chân. kết hợp thở đều.
- Bước 2: Xác định cơ âm đạo bằng cách lấy 1 ngón tay đưa vào âm đạo và tìm cách kẹp lấy ngón tay đó sao cho bạn có thể cảm nhận được âm đạo đang co lại.
- Bước 3: Sau khi xác định được vị trí cơ âm đạo, bạn nhắm mắt và hình dung đang nín trung tiện và nín tiểu. Cơ sàn chậu chính là vùng cần vận dụng để thực hiện động tác này.
- Bước 4: Siết chặt hoặc co chặt bắp cơ quanh vùng trước và sau đường dẫn tiểu. Đồng thời, từ từ vận dụng vùng cơ này để nâng sàn chậu lên, hình dung cơ sàn chậu đã được nâng và siết chặt. Giữ sự co siết này chặt nhất có thể miễn là bạn cảm thấy thoải mái, và sau đó thả lỏng.
- Bước 5: Lặp lại động nâng và siết chặt nhiều lần, kết hợp thở đều, chậm và sâu.
Chú ý:
- Trong khi luyện tập không được co cơ bụng, chân, lưng, mông.
- Có thể đặt tay lên bụng trong khi tập để kiểm soát, nếu bụng phập phồng nghĩa là chưa đúng cách.
- Mỗi ngày nên tập luyện từ 100 – 200 lần để mang đến hiệu quả nhanh chóng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!