Đau nhức cơ bắp chân là tình trạng đau nhức mỏi trong cơ ở bắp chân do nhiều nguyên nhân. Hiện tượng này có thể xuất hiện khi bệnh nhân vận động chân quá mức hoặc cũng có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác. Tốt nhất, bạn nên tìm hiểu các cách chữa đau nhức cơ bắp chân dưới đây để phòng khi cần dùng đến.

Nguyên nhân gây đau nhức cơ bắp chân

Cơn đau ở bắp chân có thể xuất hiện ở một thời điểm nhất định hoặc cũng có thể xuất hiện vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau nhức cơ bắp chân bao gồm:


  • Suy tĩnh mạch
  • Đau khớp gối do thoái hóa khớp gối mãn tính
  • Tổn thương dây thần kinh ngoại biên
  • Bệnh lý động mạch như xơ vữa động mạch, viêm nội mạch động mạch
  • Bệnh lý bạch huyết.
  • Thiếu canxi ở phụ nữ mang thai
  • Cơ thể mất nước
  • Tuần hoàn máu kém.
  • Chấn thương do va đập
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Không khởi động kỹ trước khi tập thể dục hoặc luyện tập quá sức (thường gặp như đau cơ bắp chân, bong gân, trật khớp, chấn thương vai khi tập gym…)

Cách chữa đau nhức cơ bắp chân

Tùy theo nguyên nhân gây đau nhức cơ bắp chân mà chúng ta áp dụng cách chữa đau nhức cơ bắp chân phù hợp. Cụ thể:

1- Cách chữa đau nhức cơ bắp chân do suy tĩnh mạch

Đau nhức cơ bắp chân do bệnh lý suy tĩnh mạch được xem là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu bạn cảm thấy đau nhức cơ bắp chân vào cuối ngày làm việc do phải đi lại hoặc đứng lâu thì có thể bạn đang bị suy tĩnh mạch ở giai đoạn đầu. Suy tĩnh mạch là hiện tượng máu ứ đọng ở phần thấp của chân và gây chèn ép, dẫn đến đau nhức bắp chân ngày càng tăng.

Các triệu chứng dễ nhận biết của bệnh lý này là cơn đau lặp đi lặp lại theo một chu kỳ. Chẳng hạn như đau vào cuối ngày làm việc, càng về chiều thì càng đau nhức, mỏi và nặng chân, phù chân, có thể bị vọp bẻ vào ban đêm. Để xác định chính xác đau nhức cơ bắp chân là do bệnh suy tĩnh mạch, bạn cần đi khám chuyên khoa mạch máu càng sớm càng tốt.

Để cải thiện những cơn đau nhức cơ bắp chân trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng phương pháp xoa bóp hay massage chân. Xoa bóp và massage có tác dụng giải phóng sự ứ đọng máu, kích thích lưu thông và tuần hoàn máu nuôi cơ bắp. Từ đó, giúp giảm thiểu các cơn đau cơ bắp chân hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên nhớ, không dùng dầu nóng để xoa bóp vì nó chỉ làm giảm đau tạm thời và giả tạo, sức nóng của dầu có thể khiến tĩnh mạch càng bị dãn thêm và ứ máu nhiều hơn. Ngoài phương pháp xoa bóp massage, đeo tất áp lực để tạo một lực ép cơ học làm khép các van tĩnh mạch đang bị hở cũng là biện pháp đơn giản nhưng cho hiệu quả rất tốt.

2- Cách chữa đau nhức cơ bắp chân do bệnh lý động mạch

Một số bệnh lý về động mạch như xơ vữa động mạch và viêm nội mạc động mạch có thể dẫn đến hẹp tắc lòng mạch máu. Từ đó, dẫn đến chứng thiếu máu và rối loạn dinh dưỡng. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hoại tử ở ngón chân và bàn chân hoặc cổ chân, cẳng chân.

Nếu người bệnh có thói quen nghiện hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu thốn vitamin, căng thẳng kéo dài, béo phì, ít vận động, mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường hoặc sống ở những nơi có khí hậu ẩm thấp và lạnh lẽo… thì nguy cơ mắc bệnh là khó tránh. Với nguyên nhân này, bệnh nhân cần phải đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp, theo dõi cụ thể.

3- Cách chữa đau nhức cơ bắp chân do chấn thương

Chưa khởi động kỹ trước khi vận động, vận động quá sức, vận động với cường độ cao, chơi các môn thể thao quá sức, mang vác nặng hay té ngã, va đập đều có thể dẫn đến chấn thương cơ bắp và các mạch máu, từ đó gây đau mỏi và căng cứng. Nguy hiểm hơn, chấn thương kéo dài có thể gây viêm khớp, thoái hóa khớp.

Trong trường hợp này, bạn nên áp dụng liệu pháp chườm lạnh để khắc phục các cơn đau nhức cơ bắp chân. Chườm lạnh có tác dụng làm giảm nhanh cơn đau và giảm sưng tấy quanh vùng bị chấn thương tức thì. Bạn dùng khăn bọc vài viên đá lạnh hoặc sử dụng túi chườm lạnh chườm ngay tại chỗ vùng cơ bắp chân bị đau trong khoảng 10-15 phút/lần. Mỗi lần chườm cách nhau 1 tiếng. Cố gắng chườm lạnh trong 1-3 ngày đầu sau khi bị đau, không chườm quá lâu và không để đá lạnh trực tiếp lên da, đặc biệt là những vùng da bị trầy xước.

BÀI VIẾT CÓ ÍCH CHO BẠN:

Hướng dẫn xử lý nhanh khi bị bong gân, trật khớp

4- Cách chữa đau nhức cơ bắp chân do các nguyên nhân khác

Với một số nguyên nhân gây đau cơ bắp chân là do thể chất người bệnh như thiếu canxi, mất nước… bệnh nhân cần chú ý đến vấn đề ăn uống. Cố gắng bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin, canxi, magie, sắt, đặc biệt là với thai phụ và những người có thể trạng yếu, suy nhược. Uống đủ nước để tránh cơ thể bị mất nước trong quá trình hoạt động.

Chất nicotine trong thuốc lá là thủ phạm gây co mạch máu, cản trở lưu thông máu, khiến tình trạng đau nhức cơ bắp chân trầm hơn hơn. Vì vậy, ai có thói quen hút thuốc lá thì nên bỏ sớm để ngăn ngừa cơn đau nặng hơn cũng như các mối đe dọa về hệ tim mạch, phổi, xương khớp.

Để hệ cơ xương khớp chắc khỏe, chịu lực tốt, tránh bị đau cơ bắp chân khi hoạt động nhiều thì bệnh nhân nên luyện tập thể dục thường xuyên, đi bộ mỗi ngày. Với những bệnh nhân bị đau nhức cơ bắp chân do một số bệnh mạn tính như thoái hóa khớp gối thì cần áp dụng phương pháp điều trị chuyên khoa như sử dụng thuốc giảm đau chống viêm, kết hợp tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng dưới sự chỉ định và theo dõi  của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *