Trang Chủ » Viêm khớp » Viêm khớp vai » Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai
Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là một bệnh lý thường gặp với các tổn thương ở cấu trúc phần mềm quanh khớp vai. Bệnh gây đau dai dẳng và hạn chế vận động khớp vai nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng là một trong những phương pháp chẩn đoán cần thiết và quan trọng giúp xác định chính xác các thể bệnh viêm quanh khớp vai.
Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ chung của các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như gân, cơ, dây chằng, túi thanh dịch, bao khớp nhưng không bao gồm các tổn thương ở đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như trong bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn…
Theo Welfling (1981), bệnh viêm quanh khớp vai được chia thành 4 thể lâm sàng là:
- Thể 1: Đau vai đơn thuần thường do bệnh lý gân (viêm gân mạn tính)
- Thể 2: Đau vai cấp do sự lắng đọng vi tinh thể (viêm khớp vi tinh thể)
- Thể 3: Giả liệt khớp vai do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay khiến cơ delta không hoạt động được (đứt mũ gân cơ quay).
- Thể 4: Cứng khớp vai do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày, dẫn đến giảm vận động khớp ổ chảo – xương cánh tay (đông cứng khớp vai).
Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai
Triệu chứng chung của bệnh viêm quanh khớp vai là những cơn đau và hạn chế vận động ở vùng khớp vai bị tổn thương. Ngoài ra, tùy theo thể bệnh mà bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện kèm theo. Vì vậy để xác định chính xác thể bệnh viêm quanh khớp vai, ngoài các triệu chứng lâm sàng, cần phải xem xét thêm các triệu chứng cận lâm sàng mới đưa ra được kết luận cuối cùng. Dưới đây là cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai theo mỗi thể bệnh riêng mà bạn nên biết:
1/Chuẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai – thể đau khớp vai đơn thuần
- Triệu chứng lâm sàng:
– Bệnh nhân có biểu hiện đau vùng khớp vai sau khi vận động khớp này quá mức hoặc sau những vi chấn thương liên tiếp ở khớp vai.
– Cơn đau có tính chất cơ học, đau tăng khi thực hiện các động tác co cánh tay đối kháng nhưng ít gây hạn chế vận động khớp.
– Tổn thương thường gặp là ở gân cơ nhị đầu và gân cơ trên gai, khi ấn vào điểm bám tận gân bó dài của gân cơ nhị đầu cánh tay hoặc gân trên gai sẽ thấy có điểm đau chói.
- Triệu chứng cận lâm sàng:
– Hình ảnh X- quang không có bất thường, nhưng có thể nhận thấy hình ảnh calci hóa tại gân.
– Siêu âm cho thấy hình ảnh gân giảm âm hơn bình thường, nếu gân bị calci hóa sẽ có nốt tăng âm kèm bóng cản. Ngoài ra, có thể thấy dịch quanh bao gân nhị đầu.
2/Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai – thể đau vai cấp
- Triệu chứng lâm sàng:
– Cơn đau vai xuất hiện đột ngột và dữ dội, thậm chí gây mất ngủ; đau lan toàn bộ vai và lên cổ, xuống tay hoặc xuống tận bàn tay.
– Vai sưng to và nóng, có thể nhìn thấy qua hình ảnh khối sưng ở trước cánh tay do túi thanh dịch bị viêm, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ.
– Bệnh nhân cũng bị giảm vận động khớp vai, thường có tư thế cánh tay ép sát vào thân và khó thực hiện các động tác giang tay.
- Triệu chứng cận lâm sàng:
– X-quang cho thấy hình ảnh calci hóa với kích thước không giống nhau ở khoảng cùng vai – mấu động. Tuy nhiên, calci hóa có thể biến mất chỉ sau vài ngày.
– Kết quả siêu âm cho thấy các nốt tăng âm kèm bóng cản (calci hóa) ở gân và bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai kèm theo dịch (cấu trúc trống âm).
3/Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai – thể giả liệt khớp vai
- Triệu chứng lâm sàng:
– Bệnh nhân bị đau dữ dội kèm theo tiếng kêu rắc rắc, một số trường hợp nổi các vết/đám bầm tím ở phần trước trên cánh tay sau đó vài ngày.
– Đau và hạn chế vận động một cách rõ ràng, bệnh nhân không thể nâng vai chủ động nhưng vận động thụ động thì bình thường, không xuất hiện các dấu hiệu bất thường về thần kinh.
– Trong trường hợp bệnh nhân bị đứt bó dài gân nhị đầu thì khi chẩn đoán sẽ thấy phần đứt cơ ở trước cánh tay khi gấp có đối khắng cẳng tay.
- Triệu chứng cận lâm sàng:
– Khi chụp khớp vai cản quang sẽ thấy hình cản quang của túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta, chứng tỏ sự thông thương giữa khoang khớp và túi thanh mạc, đồng nghĩa với việc đứt các gân mũ cơ quay. Ngoài ra, nếu thực hiện cộng hưởng từ cũng thấy các hình ảnh tương tự.
– Siêu âm cho thấy đứt gân nhị đầu, không thấy hình ảnh gân nhị đầu ở hố liên mấu động hoặc phía trong hố liên mấu động, có thể thấy hình ảnh tụ máu trong cơ mặt trước cánh tay. Nếu đứt gân trên gai thấy gân mất tính liên tục, co rút hai đầu gân đứt.
4/Cách chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai – thể cứng khớp vai
- Triệu chứng lâm sàng:
– Bệnh nhân bị đau khớp vai kiểu cơ học, có một số trường hợp đau về đêm.
– Hạn chế vận động khớp vai cả động tác chủ động và thụ động, đặc biệt là động tác giạng tay và quay ngoài.
– Nếu quan sát bệnh nhân từ đằng sau sẽ thấy khi người bệnh giơ tay lên sẽ thấy xương bả vai di chuyển cùng một khối với xương cánh tay.
- Triệu chứng cận lâm sàng:
– X-quang cho thấy khoang khớp bị thu hẹp còn 5-10ml trong khi bình thường là 30-35ml, giảm cản quang khớp, các túi cùng màng hoạt dịch biến mất.
Viêm quanh khớp vai thể đau vai đơn thuần và đau vai cấp dễ gây đau dai dẳng và hạn chế vận động khớp vai. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, kéo dài, các thể bệnh này sẽ chuyển thành viêm quanh khớp vai thể cứng khớp vai hoặc giả liệt khớp vai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Vì vậy, khi nhận thấy những cơn đau bất thường ở vai, bạn nên đi kiểm tra ngay lập tức để tránh những biến chứng không mong muốn về sau nhé.
BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!