Trang Chủ » Viêm khớp dạng thấp » Dấu hiệu nhận biết các triệu chứng của bệnh phong thấp
Dấu hiệu nhận biết các triệu chứng của bệnh phong thấp
Nhận biết các triệu chứng bệnh phong thấp bằng cách nào? Phong thấp là một trong những bệnh lý nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng lên xương khớp mà còn gây suy giảm khả năng miễn dịch và chức năng của nhiều cơ quan. Để tránh nhầm lẫn bệnh phong thấp với các bệnh lý khác, tham khảo các các dấu hiệu bệnh phong thấp sau đây là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Tìm hiểu về bệnh phong thấp
Theo y học hiện đại, phong thấp được gọi là viêm khớp dạng thấp, một căn bệnh viêm xương khớp mạn tính tự miễn với biểu hiện tổn thương viêm không đặc hiệu ở màng hoạt dịch khớp, gây sưng viêm và đau nhức xương khớp, phá hủy các tổ chức sụn khớp và xương dưới sụn dẫn đến dính khớp, biến dạng khớp. Đồng thời gây nhiễm trùng đường hô hấp, làm tổn thương đến các cơ quan thần kinh, tim mạch, phổi, thận, các tổ chức dưới da,…
Nguyên nhân gây bệnh phong thấp vẫn chưa được khẳng định chính xác nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các yếu tố tham gia vào quá trình hình thành bệnh phong thấp bao gồm yếu tố về cơ địa, yếu tố di truyền, các dị ứng nguyên, virus, vi khuẩn, cơ thể suy nhược hoặc suy yếu, tâm lý bất ổn, thời tiết thay đổi…. tác động vào cơ thể làm hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể chống lại và gây ra bệnh phong thấp.
Trong Y học cổ truyền, phong thấp được quy vào chứng Tý, xảy ra do các nhân tố như Phong, Hàn, Thấp, Nhiệt xâm nhập vào cơ thể và gây đau nhức dai dẳng, tê buồn chân tay, xuất hiện ở những người tuổi trung niên và người cao tuổi là phổ biến. Y học cổ truyền cho rằng, các yếu tố về sự thay đổi thời tiết và khí hậu, cơ thể suy yếu, lao động và sinh hoạt không điều độ, chế độ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng, môi trường sống ẩm thấp… tác động rất lớn đến sự hình thành và phát tác bệnh phong thấp.
Phong thấp là một căn bệnh kinh niên khá nguy hiểm xảy ra ở nhiều khớp xương gây đau nhức, sưng đỏ và tổn thương đến nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, tim mạch, các khớp xương, cột sống. Bệnh thường trở nặng khi thời tiết thay đổi gây ra các cơn tê nhức dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết các triệu chứng bệnh phong thấp
Phong tê thấp là một trong nhiều thể bệnh viêm khớp nên các triệu chứng bệnh phong tê thấp rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm khớp. Tuy là một căn bệnh mạn tính nhưng phong thấp lại có những giai đoạn cấp tính và ổn định. Trong y học học hiện đại và y học cổ truyền, bệnh phong có thể được nhận biết qua các triệu chứng đặc trưng sau đây:
1- Triệu chứng bệnh phong thấp theo y học hiện đại
- Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân bị phong thấp có biểu hiện sưng đau nhức các khớp như khớp cổ tay, khớp bàn tay khớp bàn chân, khớp đầu gối. Sau đó, bệnh có thể lan sang khớp vai, khớp khuỷu tay, khớp háng…
- Ngoài đau nhức, người bệnh còn bị cứng khớp sau khi thức dậy vào buổi sáng hay sau một thời gian không hoạt động khớp. Các khớp xương ở tay, chân, vai, cột sống, xương chậu, đầu gối đều không thể cử động.
- Không chỉ xương khớp mà các bắp thịt ở các khớp đau cũng bị ảnh hưởng, bị đau và bị suy yếu kèm theo sự xuất hiện của các nốt mẩn đỏ dưới da.
- Lâu dần, vùng da chỗ các khớp bị tổn thương có nổi các cục u từ dưới da gọi là cục phong thấp. Vị trí khớp dễ xuất hiện các cục u nhất là khớp khuỷu tay, khớp bàn tay, khớp bàn chân hay ở dây gân gót chân. Ban đầu chúng khá nhỏ nhưng sẽ dần to lên ở các khớp xương, thậm chí còn xuất hiện cả trong phổi.
- Lâu ngày, bệnh càng tiến triển sẽ gây phá hủy mô sụn và mô xương dưới sụn, dẫn đến tình trạng dính khớp, khớp bị biến dạng, các khớp bàn tay, bàn chân bị cong vẹo, ghồ ghề, lệch trục khớp gối…
- Bệnh phong thấp còn có một số dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, uể oải, ăn uống kém, sốt nhẹ khi bệnh trở nặng.
2- Triệu chứng bệnh phong thấp theo y học cổ truyền
Y học cổ truyền chia bệnh phong thấp thành 3 thể bệnh khác nhau là thể phong thấp, thể hàn thấp và thể tê thấp. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng , dấu hiệu phong ê thấp như sau:
- Thể phong thấp:
Bệnh nhân bị đau nhức các khớp xương và toàn bộ cơ thể. Cơn đau có thể lan từ khớp này sang khớp kia, cử động khớp khó khăn, sốt, người mệt mỏi, dễ buồn bực, chỉ thích nằm nghỉ ngơi. Bắt mạch sẽ thấy mạch phù.
- Thể hàn thấp:
Khác với thể phong thấp, ở thể hàn thấp, các cơn đau nhức chỉ cố định tại 1 khớp hoặc nhiều khớp chứ không đau lan hay chạy từ khớp này sang khớp khác. Chân tay lạnh, càng lạnh càng thấy đau, đau nhiều vào ban đêm, nhất là vào mùa đông khiến người bệnh co cứng tay chân, khó co duỗi khớp. Rêu lưỡi trắng, đại tiện lỏng, bắt thấy mạch khẩn.
- Thể tê thấp:
Ở thể này, người bệnh bị đau nhức khủng khiếp, da thịt tê bì khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Cơn đau thường dai dẳng và âm ỉ, bệnh nhân khó có thể nhận biết cảm giác của mình dễ dàng. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây tê liệt một phần thân thể gây ảnh hưởng đến chức năng vận động, sinh hoạt. Bắt mạch sẽ thấy mạch nhu hoãn.
3- Biến chứng của bệnh phong thấp
Rối loạn tự miễn ở phong thấp còn kéo theo những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người bệnh. Ngoài biến chứng dính khớp, biến dạng khớp, bại liệt, tàn tật, phong thấp còn gây viêm tuyến lệ, tuyến nước bọt; làm suy giảm khả năng miễn dịch và chức năng của nội tạng với các chứng viêm màng tim, suy tim, trụy tim, viêm màng phổi và viêm phổi, suy gan, thận; ảnh hưởng lên mạch máu và hệ thần kinh, gây trầm cảm, u uất… thậm chí là tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường ở cơ thể, giống với các triệu chứng bệnh phong thấp trên đây, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời để kiểm soát tốt diễn biến của bệnh phong thấp và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!