Bệnh xương khớp không chỉ gây tổn thương cơ thể mà còn khiến người bệnh đau nhức, khó chịu, mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để chữa trị các chứng đau xương khớp, từ xưa, dân gian thường sử dụng các loại cây chữa bệnh xương khớp quanh nhà như Lá lốt, Ngải cứu, Đinh lăng, Cỏ xước, Cúc tần… với dược tính cao và an toàn giúp làm giảm các triệu chứng sưng đau và nhức mỏi khớp.

Các loại cây chữa bệnh xương khớp thường dùng

1 – Dây đau xương chữa phong thấp, đau đầu gối

Dây đau xương có tên khoa học là Tinospora sinensis Merr, thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), còn có tên gọi khác là Thân cân đằng, Khoan cân đằng, Tục cốt đằng. Dây đau xương có vị hơi đắng, tính mát, với tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, thư cân, hoạt lạc, khu phong, chỉ thống (giảm đau). Vì vậy, Dây đau xương thường được dân gian dùng để chữa các chứng bệnh về khớp như đau nhức xương khớp, phong tê thấp, tay chân tê bại, đau dây thần kinh, chấn thương tụ máu…

Các nghiên cứu y học hiện đại cũng nhận thấy, Dây đau xương có chứa nhiều Ancaloit – một chất dược lý đặc thù có tác dụng ức chế hệ thần kinh, giúp giảm đau và chống viêm rất tốt.

  • Cách dùng Dây đau xương chữa bệnh khớp:

Để chữa đau khớp bằng cây dây đau xương, người bệnh có thể dùng dây và lá cây sắc nước uống hàng ngày. Hoặc áp dụng các bài thuốc sau:

– Chữa đau đầu gối do té ngã:

Dùng lá Dây đau xương giã nát rồi cho rượu (hoặc giấm hay nước tiểu trẻ em) vào. Sau đó, vắt lấy nước cốt uống, bã thì chưng nóng đem xoa đắp vào chỗ đau.

– Chữa đau đầu gối do thận hư yếu: 

Dây đau xương 12g, thỏ ty tử 12g, rễ cỏ xước 12g, đỗ trọng 16g, tỳ giải 16g,bổ cốt toái 16g, cẩu tích 20g, củ mài 20g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.

– Chữa đau đầu gối do phong thấp, thoái hóa khớp:

Dây đau xương, rễ Bưởi bung, cây Đơn gối hạc, Gấc (rễ), Cỏ xước; mỗi vị dùng từ 20-30g đem sắc uống.

2 – Cây Ngải cứu trắng chữa đau nhức cột sống

Ngải cứu trắng là một loại thảo dược quen thuộc, thường được dùng để làm rau ăn và làm thuốc chữa bệnh. Ngải cứu có vị hơi đắng, tính cay nóng.  Thông thường, Ngải cứu được dân gian sử dụng để điều kinh, an thai, chữa đau bụng… Đặc biệt, Ngải cứu còn có khả năng chữa các bệnh về xương khớp như đau khớp, đau lưng, đau cột sống do thoái hóa hay thoát vị đĩa đệm…

Theo sách y học của danh y Tuệ Tĩnh, lá Ngải cứu có chứa từ 0,2 đến 0,34% tinh dầu với tác dụng làm giảm đau. Ngoài ra, Ngải cứu còn chứa rất nhiều hoạt chất kháng khuẩn và chống viêm như cineol, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, thuyon, tricosanol… có tác dụng giảm các cơn đau thần kinh.

  • Cách dùng Ngải cứu chữa bệnh khớp:

– Chữa đau nhức cột sống:

Theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, để chữa đau nhức cột sống, người bệnh lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, giã nát, trộn với một ít giấm và đun nóng. Cho hỗn hợp này vào một chiếc khăn mỏng rồi bọc lại, đem xoa dọc vị trí cột sống bị đau trong khoảng 15 phút. Mỗi ngày thực hiện như vậy, liên tục từ 2 đến 3 tuần thì cơn đau sẽ khỏi. Tiếp tục áp dụng thêm 2 tháng sẽ giúp điều trị bệnh triệt để.

– Chữa đau và sưng khớp:

Đem Ngải cứu trắng trộn với muối biển, rồi đem xào nóng, cho vào miếng vải rồi đắp lên vị trị khớp bị đau sẽ giúp giảm đau, giảm sưng tấy ở vùngkhớp bị sưng. Người lớn tuổi áp dụng bài thuốc này cũng giúp phòng bệnh hiệu quả.

3 – Cây cỏ xước chữa bệnh viêm khớp dạng thấp

Cây cỏ xước có tên khoa học là Achyranthes aspera L, họ rau dền (Amarantheceae); có vị đắng, chua, tính mát, với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu viêm. Nó cũng là một vị thuốc nam khá quen thuộc với tên gọi Ngưu tất nam, có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh phong thấp, tê mỏi yếu liệt, đau nhức xương, đau lưng, viêm khớp, sưng đau đầu gối, chân tay co quắp…

  • Cách dùng cây Cỏ xước chữa bệnh:

– Chữa đau khớp thông thường:

Người bệnh có thể dùng toàn thân cây Cỏ xước, rửa sạch và đun nước uống hằng ngày.

– Chữa thấp khớp sưng đau:

Cách 1: Dùng rễ cỏ xước 16g, hy thiêm thảo 16g, nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g, phục linh 20g đem sao vàng rồi sắc lấy ba lần nước thuốc, sau trộn chung 3 lần nước thuốc này và sắc đặc lại rồi chia 3 lần uống. Ngày uống 1 thang, từ 7 – 10 ngày liền.

Cách 2: Cỏ xước 40g, hy thiêm 30g, cỏ mực 20g, thổ phục linh 20g, quả ké đầu ngựa 12g, ngải cứu 12g đem  sắc lấy nước thuốc đặc để uống trong ngày.

– Chữa viêm đa khớp dạng thấp:

Rễ cỏ xước tẩm rượu sao 20g, tang ký sinh 16g, dây đau xương 16g, độc hoạt 12g, tục đoạn 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thục địa 12g, tần giao 12g, đảng sâm 12g, xuyên khung 8g, quế chi 8g, cam thảo 6g, tế tân 6g. Đem thuốc sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trong 10 ngày.

4 – Lá lốt chữa đau khớp khi trời lạnh

Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae. Lá lốt là một thảo dược quen thuộc trong dân gian vì không chỉ dùng để làm rau ăn mà lá lốt còn có nhiều tác dụng chữa bệnh cực kỳ hiệu quả. Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, với tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí, chỉ thống (giảm đau) nên hay được dùng để trị phong hàn thấp, chân tay lạnh, tê bại, tê thấp, các chứng đau lưng, sưng đau khớp gối, đau nhức khớp khi trời lạnh…

  • Cách dùng Lá lốt chữa bệnh:

Để chữa bệnh bằng Lá lốt, ta có thể dùng tươi hoặc phơi nắng, sây khô toàn cây. Tùy theo chứng bệnh mà Lá lốt được dùng như sau:

– Chữa đau khớp trời lạnh, khó đi lại:

Lấy 10 – 15g lá lốt khô hoặc 30 g Lá lốt tươi đem sắc với 2 chén nước còn lại 1/2 chén để uống. Nên uống nước Lá lốt còn ấm vào buổi tối, sau khi ăn và trước khi đi ngủ để cho hiệu quả cao. Mỗi liệu trình điều trị kéo dài 10 ngày.

– Chữa phong thấp, đau khớp gối:

Chuẩn bị 30g Lá lốt, 30g rễ cây bưởi bung, 30g rễ cỏ xước, 30g vòi voi; tất cả đều còn tươi, đem thái mỏng, sao vàng. Sau đó, cho các vị thuốc vào ấm sắc với 600ml nước đến khi còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Nên dùng thuốc liên tục trong 7 ngày để phát huy tác dụng như mong muốn.

5 – Cây Đơn châu chấu chữa viêm khớp

Cây Đơn châu chấu có tên khoa học là Aralia armata, thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae. Cây này còn được gọi là cây Cuồng, Độc lực, Cây đinh lăng gai với vị cay, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khu phong, trừ thấp. Từ xưa, dân gian đã dùng cây Đơn châu chấu để chữa viêm khớp gối, phong thấp tê bại, đòn ngã,… Hầu như, các bộ phận của cây Đơn châu chấu đều được dùng để làm thuốc. Rễ cây có tác dụng kháng sinh mạnh, có thể giải chất độc. Trong khi thân cây lại có tác dụng bồi bổ, lá có tác dụng tiêu độc.

  • Cách dùng cây Đơn châu chấu chữa bệnh:

Dùng 10- 30g rễ Đơn châu chấu đem sắc uống, thường phối hợp với Xà Cừ và Mặt Quỷ để chữa viêm khớp.

6 – Cây Huyết đằng chữa đau nhức khớp do phong thấp

Cây huyết đằng  có tên khoa học là Sargentodoxa cuneata, thuộc họ Huyết đằng – Sargentodexaceae, còn được gọi là cây Hồng đằng. Cây có vị đắng chát, tính bình, với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, khu phong. Từ lâu, cây Huyết đằng đã được các thầy thuốc sử dụng để chữa các bệnh xương khớp như đau nhức, té ngã sưng đau, phong thấp…

  • Cách dùng cây Huyết đằng chữa bệnh:

– Trị đau lưng:

Kê huyết đằng 16g, tỳ giải 16g, rễ trinh nữ 16g, ý dĩ 16g, cỏ xước 12g; quế chi 8g, rễ lá lốt 8g, thiên niên kiện 8g, trần bì 6g. Cho thuốc vào ấm sắc uống mỗi ngày 1 thang.

– Trị phong thấp, đau mỏi gối:

Cho 16g huyết rồng; 12g tục đoạn, 12g xuyên khung, 12g cẩu tích, 12g dây đau xương vào ấm sắc với nước thành thuốc để uống. Mỗi ngày uống 1 thang, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng khoảng 6 thang thuốc sẽ thấy hiệu nghiệm.

7 – Cây Cúc tần chữa đau nhức xương khớp

Cây cúc tần có tên khoa học là Pluchea indica (L.) Less, họ Cúc (Asteraceae). Theo Y học cổ truyền, cây Cúc tần có  vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm và có tác dụng khu phong tán hàn. Các nghiên cứu Y học hiện đại cũng ch thấy, cây Cúc tần có chứa 2.9% protein, nhiều acid chlorogentic và tinh dầu có khả năng sát trùng, tiêu độc rất tốt cho hệ tiêu hóa và xương khớp. Người ta thường thu hái Cúc tần đem về dùng tươi hoặc phơi khô để bảo quản và dùng khi cần thiết.

  • Cách dùng cây Cúc tần chữa bệnh:

– Cách 1: Dùng 15 – 20g rễ Cúc tần rửa sạch, đem sắc  nước uống hàng ngày.

– Cách 2: Rễ cúc tần 20g, rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g, đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g. Đem tất cả nguyên liệu này sắc nước uống thường xuyên. Dùng khoảng 1 tuần trở lên sẽ nhận thấy hiệu quả.

Cả hai cách trên đây đều có tác dụng chữa đau xương nhức khớp hiệu quả và an toàn.

8 – Cây Trinh nữ chữa phong thấp, tê bại tay chân

Cây Trinh nữ có tên khoa học là Mimosa pudica L, thuộc họ Mimosaceae , được gọi bằng những cái tên quen thuộc như cây mắc cỡ, cây xấu hổ, cây thẹn… Loài cây này có vị ngọt chát, tính mát, có tác dụng an thần, chống viêm, dùng để trị các chứng .suy nhược thần kinh, mất ngủ, phong thấp, nhức xương, chân tay tê bại cho kết quả rất tốt.

  • Cách dùng cây Trinh nữ chữa bệnh:

– Chữa đau nhức xương, phong thấp:

Lấy rễ cây thái mỏng, phơi khô. Mỗi ngày, lấy 120g rễ cây Trinh nữ đem rang lên và rồi đem tẩm với rượu trắng 35 – 40 độ rồi rang lại cho khô. Đem thuốc sắc với 600ml nước để lấy 200ml – 300ml nước, chia thuốc làm 2 lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc này liên tục trong khoảng 1 tuần để thuốc ngấm và phát huy tác dụng.

– Chữa đau ngang thắt lưng, nhức mỏi gân xương:

Đem rễ cây Trinh nữ rang lên, tẩm rượu rồi lại sao vàng. Dùng từ 20-30g sắc uống hoặc phối hợp với rễ Cúc tần và Bưởi bung (mỗi vị 20g); rễ Ðinh lăng và Cam thảo dây (mỗi vị 10g) để cho hiệu quả nhanh.

Trên đây là các loại cây chữa bệnh xương khớp thường được dân gian sử dụng để cải thiện các triệu chứng sưng tấy và đau nhức do bệnh khớp gây ra. Người bệnh có thể sử dụng các loại thảo dược này để giúp phục hồi vận động khớp một cách an toàn ngay tại nhà. Lưu ý, trong quá trình sử dụng các thảo dược chữa bệnh khớp, bệnh nhân cần phải kiên trì thực hiện hằng ngày để thuốc ngấm vào cơ thể và phát huy tác dụng hiệu quả.

BẠN NÊN THAM KHẢO THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *