Bị viêm khớp cổ chân sau chấn thương là một hiện tượng thường gặp. Dù bạn bị chấn thương nhẹ như vấp té khiến cổ chân bị trật trẹo thì cũng không nên xem thường bởi nó có thể dẫn đến viêm khớp cổ chân, gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Nếu chẳng may bị viêm khớp cổ chân sau chấn thương, bạn nên lưu ý một số lời khuyên sau đây để giúp khớp được hồi phục tốt hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày khó tránh khỏi những va chạm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… gây tổn thương đến cơ thể. Trong đó, khớp cổ chân là một khớp linh hoạt, vận động nhiều và liên tục nên khả năng bị chấn thương là không thể tránh khỏi. Những chấn thương thường gặp ở khớp cổ chân như bong gân, giãn hoặc rách dây chằng, viêm gân, gãy xương… có thể khiến khớp cổ chân bị suy yếu, thoái hóa sớm, viêm nhiễm nặng và dẫn đến viêm khớp. Trong quá trình điều trị viêm khớp cổ chân, người bệnh cần ý thức được những điều mình cần làm và nên tránh để hạn chế tổn thương đến khớp và giúp khớp cổ chân mau lành hơn.

Những điều cần lưu ý khi bị viêm khớp cổ chân sau chấn thương

Điều 1: Nhận biết dấu hiệu viêm khớp cổ chân sau chấn thương

Theo BS. Huỳnh Bá Lĩnh (BV. Chấn thương Chỉnh hình – TP.HCM), chấn thương vùng cổ chân thường dễ gây hiện tượng sưng phù hơn trên gối do quanh cổ chân còn có rất nhiều tĩnh mạch nông lớn làm ứ trệ máu trở về tim. Nếu bạn cảm thấy đau quanh mắt cá kèm theo sưng nhẹ, giới hạn cổ chân, đi khập khiễng có thể là dấu hiệu viêm khớp cổ chân sau chấn thương. Lúc này bạn nên đến bệnh viện kiểm tra tổn thương chứ đừng dùng tự dùng thuốc giảm đau hay thuốc kháng viêm vì sẽ không khỏi hẳn.

Điều 2: Không tự ý điều trị viêm khớp cổ chân

Nhiều người bị vấp, té ngã dẫn đến chấn thương cổ chân và cho rằng mình bị bong gân, trật khớp cổ chân nên thường chủ quan không lo điều trị. Sau một thời gian, tổn thương càng trở nên nghiêm trọng và dẫn đến viêm khớp thì mới lo chữa bằng các phương pháp truyền thống như đắp lá, bó thuốc, thoa rượu, đi nắn lại khớp… Điều trị không đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm da, nhiễm trùng lan rộng vào trong khớp và các mô lành, thậm chí gây nhiễm trùng hoại thư sinh hơi nguy hiểm và khó chữa, ảnh hưởng đến khả năng đi lại của bạn.

Điều 3: Giảm đau theo nguyên tắc R – I – C – E

Khi vừa mới bị chấn thương cổ chân hoặc muốn giảm đau khớp cổ chân, bạn có thể xử trí theo nguyên tắc R – I – C – E. Cụ thể:

– R (rest): Nằm nghỉ ngơi, hạn chế cử động cổ chân, có thể tiến hành bó nẹp để cố định khớp và bảo vệ cổ chân.

– I (ice): Chườm lạnh quanh cổ chân bằng túi nylon đựng nước đá hoặc túi chườm lạnh giúp giảm bớt cơn đau ở khớp cổ chân.

– C (compression): Dùng băng thun băng ép vừa phải từ bàn chân lên đến gối để hạn chế sự sưng viêm do ứ trệ máu tĩnh mạch.

– E (elevation): Nằm kê chân lên cao giúp máu tĩnh mạch được lưu thông dễ dàng hơn. Chú ý không nên kê cổ chân quá cao, chỉ nên kê khoảng 10 – 20cm là vừa. Kê chân cao quá sẽ gây tê chân do giảm lượng máu động mạch xuống bàn chân.

Điều 4: Tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ

Cố gắng tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị viêm khớp cổ chân sau chấn thương để giúp khớp phục hồi tốt nhất. Tùy thuộc vào tình trạng và triệu chứng của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị thích hợp chẳng hạn như dùng thuốc giảm đau, chống viêm, tiêm Cortisone (steroid) kèm theo vật lý trị liệu. Một số trường hợp có kèm theo rách gân có thể cần phải phẫu thuật để khắc phục tổn thương. Nếu được điều trị tích cực, sau vài tháng, bạn có thể vận động bình thường trở lại.

Điều 5: Chú trọng chế độ dinh dưỡng và tập luyện

Trong quá trình điều trị viêm khớp cổ chân, người bệnh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của mình. Cố gắng bổ sung  nhiều omega-3, canxi và vitamin D để chống viêm và phục hồi xương khớp. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ quá trình phục hồi cơ thể. Tuy nhiên, ăn uống phải hợp lý và có kiểm soát để tránh béo phì tăng áp lực lên khớp cổ chân. Ngoài ra, để giúp khớp cổ chân hồi phục và linh hoạt trở lại, bạn cần kết hợp tập luyện thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa giúp tăng cường sự khỏe mạnh cho mắt cá chân và ngăn ngừa chấn thương trở lại nhé.

BẠN NÊN ĐỌC THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *