Trang Chủ » Bệnh xương khớp khác » Bị đau xương mu có phải dấu hiệu sắp sinh không?
Bị đau xương mu có phải dấu hiệu sắp sinh không?
THẮC MẮC:
Chào Bác sĩ,
Cho em hỏi em bị đau xương mu có phải dấu hiệu sắp sinh không ạ? Hiện em đang mang thai ở tuần 37 nhưng thường cảm thấy đau chằn chằn ở xương mu, lan ra hai bên háng khiến em đi lại rất khó. Em có hỏi mấy mẹ bầu thì được bảo là em sắp sinh rồi. Nhưng em tính thì chưa đến ngày dự sinh nên em khá lo không biết có khi nào em sinh sớm không. Mong bác sĩ giải đáp cho em với, nhân tiện nhờ bác sĩ tư vấn giúp em làm cách nào giảm đau mỏi xương mu với ạ. Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
(Giang My, Đồng Nai)
GIẢI ĐÁP:
Bạn Giang My thân mến, cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ thắc mắc của mình với daumoixuongkhop.net nhé!
Với câu hỏi của bạn về hiện tượng “bị đau xương mu có phải dấu hiệu sắp sinh không?”, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Vì sao mẹ bầu thường bị đau xương mu?
Đau xương mu là một hiện tượng thường gặp ở các mẹ bầu, đặc biệt là vào những tháng cuối của thai kỳ. Xương mu là một phần của vùng xương chậu, nằm ở giữa và kết nối hai xương cánh chậu với nhau. Xung quanh vùng xương này có hệ thống dây chằng co giãn giúp giữ cố định các khớp xương khi vận động. Có nhiều nguyên nhân khiến các mẹ bị đau xương mu dồn dập, bao gồm:
1 – Bé yêu quay đầu: Vào những tuần cuối thai kỳ, thai nhi bắt đầu xuống thấp. Cơ thể mẹ cũng tiết ra các hormone relaxin và progesterone khiến các khớp vùng chậu giãn nở nhiều hơn. Các dây chằng cũng bị kéo căng quá mức khiến các mẹ bầu cảm thấy đau mỏi ở xương mu và cả vùng khung chậu.
2 – Mẹ bị thiếu canxi: Trong thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ bị thiếu hụt canxi trầm trọng. Nếu không được cung cấp đủ lượng canxi cho cơ thể sẽ khiến các khớp xương bị suy yếu và dẫn đến những cơn đau nhức, đặc biệt là ở vùng xương mu, háng, hông chậu.
3 – Mẹ vận động quá nhiều: Nhiều mẹ có thói quen đi lại, vận động nhiều vào những tuần cuối thai kỳ. Tuy nhiên, vận động quá mức và quá mạnh có thể khiến các khớp xương, nhất là xương mu chịu áp lực lớn và gây đau. Ngoài đau ở vùng xương mu, mẹ có thể bị đau ở háng, bẹn, hông, đùi…
4 – Do mẹ có tiền sử mắc bệnh khớp: Nếu các mẹ đã từng mắc một số căn bệnh ở khớp và cột sống như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống có thể bị đau xương mu vào những tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do các khớp xương và cột sống bị tổn thương nặng hơn do phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể của mẹ bầu. Không chỉ bị đau xương mu, các mẹ còn có thể bị đau lưng, đau hông kèm theo.
Bị đau xương mu có phải dấu hiệu sắp sinh không?
Nếu các mẹ bầu bị đau xương mu trước tuần thai thứ 37 thì không cần quá lo lắng bởi đây chỉ là hiện tượng bình thường trong thời kỳ mang thai. Thông thường, ở 3 tháng cuối thai kỳ, các cơn đau bắt đầu xuất hiện và tùy theo từng mẹ bầu mà cường độ và tần suất xuất hiện cơn đau sẽ khác nhau. Sau đó, các cơn đau nhói ở xương mu sẽ nhanh chóng mất đi khi thay nhi quay đầu hoàn toàn. Trừ một số ít trường hợp bị đau dữ dội và thường xuyên cho đến khi sinh.
Tuy nhiên, nếu các mẹ bị đau xương mu dồn dập từ tuần 37 trở đi và trong tháng cuối thai kỳ kèm theo các dấu hiệu sa bụng, chân phù nề, đi tiểu nhiều, các cơn đau co thắt… thì mẹ nên chuẩn bị tinh thần để đón bé yêu chào đời.
Ngoài ra, các mẹ cũng cần lưu ý thêm, nếu trước tháng cuối thai kỳ, đau xương mu không còn âm ỉ mà chuyển thành các cơn co thắt mạnh vùng tử cung kèm theo dịch nhờn âm đạo, mẹ bầu cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ sản khoa vì đây có thể là dấu hiệu của sinh non.
**Biện pháp cải thiện cơn đau xương mu cho mẹ bầu
Đối với những cơn đau xương mu thông thường, không phải do bệnh chứng, các mẹ bầu có thể tự cải thiện bằng một số biện pháp sau đây:
– Uống đủ nước và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là canxi. Mẹ nên uống thêm sữa mỗi ngày để bổ sung thêm canxi nuôi dưỡng xương khớp tốt hơn.
– Ngồi đúng tư thế để giúp cải thiện các cơn đau ở xương mu. Khi ngồi, mẹ bầu nên giữ chân vuông góc để giúp máu lưu thông tốt và hạn chế cơn đau.
– Tập vận động nhẹ nhàng tại nhà với các bài tập yoga cho bà bầu hoặc đi bộ nhẹ nhàng vào buổi sáng để giúp làm dịu các cơn đau và dễ sinh hơn.
– Tắm nước ấm để thư giãn cơ thể và giúp giảm đau xương khớp, thư giãn cơ bắp tốt hơn.
Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp bạn, cũng như các mẹ bầu hiểu rõ hơn về hiện tượng đau xương mu trong thời kỳ mang thai và giảm bớt lo lắng để tập trung dưỡng thai tốt hơn nhé. Trong trường hợp bạn bị đau quá mức chịu đựng, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sản hoặc xương khớp để được tư vấn tốt nhất. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến cơ thể mẹ và sự phát triển của thai nhi.
BẠN CÓ THỂ ĐỌC THÊM CÁC THÔNG TIN SAU
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!