Trang Chủ » Đau mỏi vai gáy » Bị đau vai gáy không quay được cổ có nặng lắm không ?
Bị đau vai gáy không quay được cổ có nặng lắm không ?
Cho tôi hỏi, tôi bị đau vai gáy không quay được cổ có nặng lắm không ? Lúc đầu tôi chỉ thấy đau mỏi ở vùng vai gáy, hơi ê ẩm ở bả vai và cẳng tay nhưng vẫn làm việc được bình thường. Khoảng 2-3 tuần sau đó, tôi thấy đau âm ỉ cả ngày lẫn đêm, nếu vận động mạnh chẳng hạn như với tay lên cao, mang xác hay khiêng đồ nặng là đau dữ dội hơn. Đến 1 tuần gần đây tôi bị đau vai gáy không quay được cổ. Thậm chí cúi ngửa cổ cũng thấy bị cứng và đau. Xin hỏi tôi bị như vậy có nguy hiểm gì không? Có cần phải uống thuốc hay nhập viện không hay chỉ cần nghỉ ngơi, xoa bóp thuốc là được?
(Nguyễn Văn Dũng, 59 tuổi, Quảng Bình)
GIẢI ĐÁP:
Chào anh Dũng, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho chuyên mục daumoixuongkhop.net !
Đau vai gáy là một hiện tượng thường gặp có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Nguyên nhân đau mỏi vai gáy đơn giản chỉ là do gối đầu quá cao khi ngủ, kê đầu trên vật cứng, nằm vẹo cổ trong thời gian dài… nhưng cũng có thể là do tổn thương các mặt khớp của đốt sống cổ, do chấn thương đốt sống cổ hay do hoạt động cổ quá mức bởi yêu cầu công việc…
Nếu là chứng đau vai gáy thông thường, cơn đau không kéo dài, đau tê dại vùng vai và gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay thì bệnh nhân không cần quá lo lắng. Tình trạng này xảy ra là do tư thế nằm và vận động cổ không phù hợp khiến các mạch máu bị chèn ép, dẫn đến thiếu máu cục bộ và gây đau vai gáy. Chỉ cần điều chỉnh lại tư thế sinh hoạt và phù hợp sẽ giúp cải thiện các triệu chứng đau mỏi vai gáy hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu đau vai gáy âm ỉ, kéo dài, kèm theo hiện tượng đau lan ra tai và cổ, bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên. Đau lan sang hai bên kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt…. Đau gây ảnh hưởng đến tư thế đầu cổ, không quay được cổ hoăc không cúi ngửa cổ được… thì người bệnh cần phải cảnh giác. Các triệu chứng này xuất hiện có thể là do tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh. Thường gặp ở các bệnh lý thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, dị tật cổ bẩm sinh, vẹo cổ bẩm sinh, chấn thương cổ hoặc do u, lao cột sống… Người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa xương khớp để xác định nguyên nhân chính xác.
Để chẩn đoán nguyên nhân, ngoài các biểu hiện lâm sàng, bệnh nhân có thể sẽ được bác sĩ chỉ định chụp X-quang cột sống cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ và đo điện cơ. Dựa vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị đau vai gáy thích hợp theo nguyên nhân gây bệnh, mức độ và tình trạng của bệnh nhân. Trường hợp của anh Dũng, anh nên đi khám sớm để được điều trị đúng cách, đúng bệnh. Nghỉ ngơi và dùng thuốc xoa bóp không phải là cách điều trị hiệu quả. Bác sĩ sẽ dựa vào quả kiểm tra để chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp cho anh và xem xét có nên nhập viện hay không nhé.
Chúc anh sớm khỏi bệnh!
Bạn nên tìm hiểu thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!