Bệnh thấp tim là biến chứng của viêm nhiễm khuẩn đường họng miệng do liên cầu tan huyết nhón A khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn rất phổ biến và nguy hiểm vì có khả năng gây tổn thương ở khớp và tổn thương vĩnh viễn đến tim. Tham khảo bài viết sau đây để nhận biết sớm bệnh thấp tim và có biện pháp điều trị triệt để.

Bệnh thấp tim là gì ? Nguyên nhân gây bệnh thấp tim

1-Bệnh thấp tim là gì?

Thấp tim còn được gọi  là thấp khớp cấp hay sốt thấp khớp (Rheumatic Fever), là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi bệnh nhân bị mắc bệnh viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptocuccus A). Sau khi nhiễm liên cầu khuẩn đường hô hấp trên khoảng 2-3 tuần mà người bệnh không được điều trị kịp thời và hiệu quả, sẽ tiến triển thành bệnh thấp tim.

benh-thap-tim-la-gi-co-nguy-hiem-khong-1

Bệnh thấp tim có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, phổ biến nhất ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh thường để lại nhiều di chứng nặng nề ở tim, có nguy cơ gây tử vong cao ở trẻ hoặc làm mất khả năng lao động ở những người trưởng thành.

2- Nguyên nhân gây bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim được coi là biến chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây ra. Thấp tim hình thành thông qua cơ chế miễn dịch chứ không phải do liên cầu trực tiếp gây ra. Sau khi viêm đường hô hấp trên từ 2-3 tuần, bệnh nhân mới có dấu hiệu thấp tim. Do lớp vỏ ngoài của liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A có chứa một số protein M, T và R tương tự như tại một số mô của cơ thể nên hệ thống miễn dịch tế bào thay vì chống lại vi khuẩn thì lại sản sinh các kháng thể  chống lại các tổ chức mô liên kết này. các mô bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các mô của tim, khớp, da và hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, hệ thống miễn dịch suy yếu cũng góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của bệnh thấp tim.

benh-thap-tim-la-gi-co-nguy-hiem-khong-1

Bệnh thấp tim có nguy hiểm không ?

Bệnh thấp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh van tim ở người trẻ. Bệnh có khả năng gây tư vong ở trẻ em hoặc làm mất sức lao động của người trưởng thành. Bệnh thấp tim có thể tiến triển âm thầm và chỉ khi xuất hiện biến chứng ở tim thì người bệnh mới phát hiện. Bệnh thấp tim gây tổn thương ở các mô cơ thể với các triệu chứng điển hình sau đây:

1- Nhiễm liên cầu khuẩn ban đầu

Bệnh nhân bị viêm họng do liên cầu, có biểu hiện sốt cao hoặc vừa, nuốt đau, ho, sưng đau hạch dưới hàm. Người bệnh có thể chỉ bị viêm họng nhẹ hoặc viêm họng nặng kèm theo sưng amidan. Khoảng 30-50% bệnh nhân thấp tim không có các triệu chứng viêm họng.

2- Viêm đa khớp

Có 57-85% bệnh nhân thấp tim xuất hiện các dấu hiệu ở khớp, tuy nhiên cũng có một số trường hợp không bị viêm khớp. Sốt, sưng, nóng, đỏ, đau ở cơ và các khớp gối, khớp cổ chân, khuỷu tay, cổ tay… di chuyển từ khớp này sang khớp khác, gây hạn chế vận động khớp là những triệu chứng mà người bệnh có thể trải qua. Sau đó, các triệu chứng này tự rút lui.

benh-thap-tim-la-gi-co-nguy-hiem-khong-3

3- Viêm tim

Viêm tim thường đi kèm với các triệu chứng viêm đa khớp với biểu hiện viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim hoặc viêm toàn bộ tim. Viêm tim nhẹ làm tim đập nhanh, nhịp thở nhanh, hồi hộp, đau ngực. Trường hợp nặng sẽ gây khó thở, nhịp tim nhanh, gan to và đau, phù mặt và hai chân…

4- Múa giật Sydenham

Múa giật Sydenham là một trong những biểu hiện muộn của bệnh thấp tim, do tổn thương hệ thần kinh trung ương dẫn đến rối loạn vận động quá mức có thể khiến bệnh nhân cảm thấy âu lo, bồn chồn, bị kích thích, yếu cơ. Sau đó xuất hiện các động tác dị thường, không mục đích, vô ý thức, không tự chủ ở các cơ mặt, ở tay, chân hoặc nửa người. Các động tác múa giật tăng mạnh khi vận động, xúc động và chỉ giảm hết khi người bệnh ngủ nghỉ.

BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM:

5- Xuất hiện hạt Meynet (hạt thấp dưới da), ban vòng Besniser

Các hạt thấp dưới da Meynet ít gặp, nếu có cũng xuất hiện cùng viêm đa khớp và viêm tim rồi biến mất mà không để lại dấu vết sau vài tuần. Ban vòng Besniser cũng có biểu hiện tương tự.

6- Các biểu hiện khác

  • Tràn dịch màng phổi, hội chứng đông đặc từng vùng của phổi hay phù phổi cấp thường hiếm gặp.
  • Viêm động mạch, tĩnh mạch, viêm mạch vành
  • Viêm cầu thận cấp, viêm tuyến giáp, hội chứng giả giống viêm ruột thừa…
  • Chảy máu dưới da, ban đỏ hình nút, nổi mày đay….

Thấp tim là căn bệnh nguy hiểm có thể gây tổn thương nặng nề cho cơ thể, đặc biệt là các biến chứng ở não, tim, khớp và da. Nguy hiểm nhất là gây tổn thương vĩnh viễn ở tim như viêm tim, dày dính van tim, hẹp hay hở van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, bệnh thấp tim thường hay bị nhầm lẫn với một số căn bệnh khác nên dễ bị bỏ qua và điều trị sai hướng. Gia đình cần theo dõi các biểu biểu hiện bất thường của trẻ, đặc biệt là các dấu hiệu viêm đường hô hấp để dưa trẻ đi khám và điều trị sớm. Đối với người lớn, không nên chủ quan với các triệu chứng viêm họng nhẹ, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị dứt điểm để ngăn chặn biến chứng thấp tim.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *