Bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng
Thấp khớp cấp là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ em có liên quan đến sự viêm nhiễm đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Bệnh thấp khớp cấp không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn có thể để lại di chứng ở van tim và tăng nguy cơ tử vong. Cha mẹ cần tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng ngừa căn bệnh này để bảo vệ con trẻ.
Thấp khớp cấp còn được gọi là thấp tim, là bệnh lý có tính chất viêm lan tỏa của tổ chức liên kết khớp và có thể ở các cơ quan khác như da và tổ chức dưới da, tim và hệ thần kinh trung ương với diễn biến cấp tính và dễ tái phát. Đây là căn bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ em từ 5 đến tuổi, sau khi trẻ mắc phải tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn nhóm A.
Nguyên nhân gây bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em
Nói về liên cầu khuẩn, có 3 nhóm liên cầu khuẩn chính là Streptococcus pyogenes, Streptococcus viridans và Streptococcus feacalis. Qua quá trình nghiên cứu, khoa học nhận thấy được mối liên hệ giữa bệnh thấp khớp và liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus pyogenes). Theo đó, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có từ 50 – 70% trẻ bị thấp khớp cấp có tiền sử viêm họng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A và chỉ có vi khuẩn này mới có khả năng gây bệnh thấp khớp cấp.
Vài tuần sau khi trẻ bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm a có thể chuyển thành bệnh thấp khớp cấp. Trẻ có biểu hiện sốt cao từ 38 – 39oC, viêm khớp đột ngột ở các khớp lớn (đầu gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay), không đối xứng và hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác, nhịp tim nhanh, viêm màng ngoài tim, viêm màng trong tim, viêm cơ tim, da xanh xao,vã mồ hôi… Ngoài các triệu chứng ở tim và khớp, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh như giật, liệt, hôn mê; đau bụng; đái ra máu; chảy máu dưới da, nổi mày đay…
Độc giả có thể nhận biết căn bệnh thấp khớp cấp qua bài viết sau đây:
Sở dĩ, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A có khả năng gây bệnh thấp tim là do đặc điểm cấu tạo vách của chúng có điểm tương đồng với cấu tạo của khớp (màng hoạt dịch khớp) và tim (cơ tim, màng tim). Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra các kháng thể chống lại vi khuẩn và vô hình trung, các kháng thể này cũng cũng chống lại các tổ chức của cơ thể. Phản ứng này được gọi là phản ứng giữa các kháng nguyên của liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, kháng nguyên của tổ chức (khớp, cơ và van tim) với kháng thể của cơ thể được sản sinh.
Mặc dù vậy, không phải bất kỳ trẻ em nào nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A đều bị thấp khớp cấp mà chỉ có một số ít trường hợp. Đặc biệt, những trẻ em sinh sống ở nơi có khí hậu lạnh lẽo và ẩm thấp, kém vệ sinh, thiếu dinh dưỡng… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác.
Biện pháp phòng ngừa bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em
Bệnh thấp khớp cấp có thể gây tổn thương tim và để lại nhiều di chứng nặng nề trên cơ thể của trẻ. Nếu không được phòng ngừa đúng cách hoặc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim và gây tử vong. Vì vậy, việc phòng bệnh thấp khớp cho trẻ là việc làm thiết thực. Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh họng, miệng cho trẻ hàng ngày; giữ ấm cơ thể trẻ và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Kiểm tra sức khỏe tai mũi họng định kỳ và điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, VA, viêm xoang….
Khi phát hiện trẻ bị thấp khớp cấp, cần dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn triệt để. Cụ thể như sau:
– Tiêm Benzathin penicilin vào bắp thịt của trẻ theo liều lượng:
+ 1,2 triệu đơn vị/lần với trẻ 30kg
+ 600.000đơn vị/lần với những trẻ dưới 30kg
Cần tiêm 3 tuần/lần, tiêm tối thiểu trong 5 năm, tốt nhất là đến khi trẻ 18 tuổi hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Những trẻ có tổn thương tim trong đợt đầu cần tiêm phòng đến 25 tuổi hoặc kéo dài hơn để phòng ngừa tái phát. Trẻ bị tổn thương mạn tính do thấp khớp cấp (thấp tim) cần tiêm phòng tái phát suốt đời.
– Nếu không có điều kiện để tim kháng sinh, có thể dùng kháng sinh đường uống:
+ Với trẻ trên 20kg: Phenoxymethyl penicilin viên 250mg: 1 viên/lần x 4 lần/ngày.
+ với trẻ dưới 20kg: Phenoxymethyl penicilin viên 125mg: 1 viên/lần x 4 lần ngày.
– Người bị dị ứng với Penicilin có thể thay thế bằng Erythromycin với liều lượng tương tự. Trẻ nhỏ dưới 25kg dùng 40mg/1kg cân nặng/ngày.
Dự phòng bệnh thấp khớp cấp bằng tiêm Penicillin chậm được cho là biện pháp tốt nhất hiện nay giúp hạn chế đến mức thấp các bệnh van tim do thấp khớp và ngăn ngừa được những đợt tái phát của bệnh. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp cha mẹ hiểu thêm về bệnh thấp khớp cấp ở trẻ và có phương pháp bảo vệ sức khỏe của con em mình một cách tốt nhất.
CÁC VẤN ĐỂ LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH THẤP KHỚP MÀ CÓ THỂ BẠN MUỐN BIẾT:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!