Đau vái gáy là một hội chứng thông thường, xuất hiện ở nhiều đối tượng. Mặc dù đau vai gáy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng lại gây khó khăn trong sinh hoạt, làm giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mọi người cần tìm hiểu về bệnh đau vai gáy cấp và mãn tính để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau vai gáy, chẳng hạn như do sai tư thế sinh hoạt và lao động, vận động sai tư thế, chấn thương vai gáy, do nghề nghiệp, do bệnh lý liên quan… Các triệu chứng đau vai gáy cũng rất đa dạng tùy theo nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh… Trong y học, bệnh đau vai gáy được chia thành hai thể chính là thể đau vai gáy cấp tính và đau vai gáy mạn tính với những đặc điểm sau đây:

Bệnh đau vai gáy cấp tính

1- Nguyên nhân gây bệnh đau vai gáy cấp tính

Nguyên nhân gây đau vai gáy cấp tính thường là do chấn thương hoặc những thói quen không tốt trong sinh hoạt và lao động gây ảnh hưởng đến vùng vai gáy. Cụ thể:

– Do nhiễm lạnh đột ngột: Bệnh nhân nằm, ngồi, làm việc trong phòng điều hòa, tắm nước lạnh, tắm khuya, tắm mưa, dầm mưa… thường xuyên khiến vùng vai gáy bị nhiễm lạnh và gây đau mỏi.

Nằm ngủ sai tư thế: Nhiều người có thói quen nằm ngủ với gối cao khiến hệ mạch máu bị chèn ép gây cản trở quá trình lưu thông máu ở vùng cổ vai gáy. Ngoài ra, những người nằm ngủ nghiêng về một bên, không trở mình cũng dễ bị đau vai gáy.

– Vận động sai tư thế: Một số người thường hay quay cổ đột ngột, ngồi làm việc quá lâu trong một tư thế mà không vận động cột sống cũng khiến các cơ vùng cổ và bả vai bị co cứng, đau mỏi, đau nhói; máu không được lưu thông gây thiếu máu nuôi dưỡng thần kinh hoặc thần kinh bị chèn ép. Thường gặp ở những người làm công việc văn phòng, công nhân, thợ thủ công, tài xế,…)

– Do chấn thương: Những chấn thương đột ngột ở vùng cơ vai gáy do té ngã, va đập, bị đánh, tai nạn… dẫn đến co cơ bất chợt cũng gây đau vai gáy.

2- Triệu chứng đau vai gáy cấp tính

Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm hoặc khi làm việc trong thời gian dài. Bệnh nhân thấy đau mỏi và co cứng ở vùng cổ vai gáy và phần lưng trên, vận động có chút khó khăn, hạn chế cử động ở vùng gáy cổ, không thể quay đầu lại phía sau thoải mái mà chỉ nghiêng được sang trái hoặc phải. Khi cúi đầu thì thấy đau nhiều và lan rộng. Cơn đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi làm việc nặng, căng thẳng, mệt mỏi, nhiễm lạnh, khi thời tiết thay đổi.

Bệnh đau vai gáy mãn tính

1- Nguyên nhân gây bệnh đau vai gáy mãn tính

Khác với đau vai gáy cấp tính, nguyên nhân gây đau vai gáy mãn tính thường có liên quan đến các bệnh lý ở đốt sống cổ gây chèn ép rễ thần kinh vùng cổ như:

– Bệnh thoát vị đĩa đệm

– Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

– Hẹp ống sống cổ

– Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ

– Thoái hóa cột sống cổ

– Viêm khớp của các khớp cột sống

– Dị tật, vẹo cổ bẩm sinh

– Ung thư, lao, u hố sau, u đỉnh phổi, thiểu năng mạch vành…

2- Triệu chứng đau vai gáy mạn tính

Đau vai gáy mạn tính xảy ra với những cơn đau mỏi thường xuyên ở vùng vai gáy. Cơn đau lan xuống 2 bả vai và gây tê mỏi 2 cánh tay và ngón tay hoặc lan lên thái dương, 2  mang tai… kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt… Tùy theo nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy mà bệnh nhân có triệu chứng cụ thể sau đây:

– Đau vai gáy do bệnh thoát vị đĩa đệm: Bệnh này gây chèn ép rễ thần kinh ở cột sống cổ nên gây đau ở vùng vai gáy và lan xuống bàn tay hoặc các ngón tay, có thể kèm theo tê tay hoặc đau nhói ở bàn tay, xuất hiện đột ngột và tiến triển theo thời gian.

– Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ: Đau vai gáy xảy ra trong hoặc sau các hoạt động hoặc tư thế nhất định do bị chèn  ép ở một rễ thần kinh ở một bên của cột sống cổ.

– Hẹp ống sống cổ: Đau lan xuống tay kèm theo khó thực hiện một số động tác bằng tay (viết chữ, sử dụng đũa/thìa, cài cúc áo…), thỉnh thoảng giật từng cơn.

– Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ/Thoái hóa cột sống cổ: Đau cổ nhưng ít kéo dài nhưng đôi khi khi tăng lên và đau nặng hơn, đau tăng khi thực hiện một số tư thế hoặc hoạt động ở vùng cổ gáy và kèm theo đau tay, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não…

–  Viêm khớp của các khớp cột sống: Đau cột sống cổ khi họ ngủ dậy vào buổi sáng và cuối ngày nhưng lại giảm khi vận động cổ, thích ấm, sợ lạnh.

Đau vai gáy mạn tính tiến triển nặng có thể gây ra hiện tượng co cứng cơ, tê liệt tay chân, teo cơ, liệt nửa người, thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu nuôi dưỡng tim bị chèn ép. Mọi sinh hoạt vận động nhẹ liên quan đến vùng cổ, vai, gáy đều rất đau khiến bệnh nhân bị hạn chế hầu như mọi sinh hoạt. Việc ăn uống và giấc ngủ, sinh hoạt và công việc đều bị ảnh hưởng.

Để tránh đau vai gáy, bệnh nhân nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp. Không nên ngồi làm việc hay duy trì một tư thế quá lâu mà nên vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ. Chú ý điều chỉnh các tư thế sinh hoạt và làm việc sao cho phù hợp để tránh ảnh hưởng đến vùng vai gáy và cổ. Đồng thời, chú trọng bổ sung đầy đủ dưỡng chất (canxi, magie, sắt, kẽm, kali và các nhóm vitamin B, C, D, E…) nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng phòng ngừa bệnh tật.

Nếu phát hiện cơ thể có biểu hiện đau vai gáy, nên đi khám và điều trị sớm để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và điều trị dứt điểm.

BẠN ĐỌC CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *