Đau mỏi cổ là tình trạng chung của những người ngồi làm việc thường xuyên như nhân viên văn phòng, tài xế, phi công… Bỏ túi sẵn 3 cách làm hết mỏi cổ cực đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi triệu chứng khó chịu này để tập trung vào công việc.

3 cách làm hết mỏi cổ cực đơn giản

Có nhiều nguyên nhân gây đau mỏi cổ như do ngồi lâu, ngồi không đúng tư thế hoặc làm việc quá sức gây ảnh hưởng đến các cơ vùng cổ và dẫn đến đau mỏi cổ. Nhiều trường hợp, mỏi cổ còn kéo theo hệ lụy là đau đầu, chóng mặt, khó tập trung vào công việc, giảm năng suất lao động… gây trở ngại cho cuộc sống nhiều người. Nếu bạn cũng thuộc đối tượng bị đau mỏi cổ, 3 cách giảm đau mỏi cổ đơn giản sau đây có thể sẽ giúp bạn hồi phục nhanh chóng.

# Cách 1: Hết mỏi cổ nhanh chóng nhờ chườm nóng

Tác dụng của việc chườm nóng:

Chườm nóng là phương pháp giảm đau mỏi cổ đơn giản và dễ thực hiện nhất tại nhà. Chườm nóng có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu; làm giãn mạch máu, cơ và dây chằng, đồng thời giảm kích thích thần kinh nên có tác dụng giảm đau rất tốt.

Bạn có thể chườm nóng giảm mỏi cổ tại nhà bằng cách cho nước ấm vào túi chườm hoặc chai thủy tinh (chai nhựa đều được) và chườm lên vùng cổ và vai bị mỏi trong khoảng 10 – 15 phút. Một cách khác, bạn nhúng khăn vào nước ấm rồi vắt khô và chườm lên vùng bị mỏi cũng giúp làm dịu cơn đau mỏi cổ rất tốt.

Ngoài ra, tắm nước nóng trước khi đi ngủ cũng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tia nước từ vòi hoa sen chiếu thẳng trực tiếp vào vùng cổ gáy bị đau có tác dụng massage và kích thích lưu thông máu, giảm đau mỏi và co cứng các cơ vùng cổ nhanh chóng.

# Cách 2: Xoa bóp giảm đau mỏi cổ 

Tác dụng của việc xoa bóp:

Xoa bóp có tác dụng làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ, chống viêm và giảm phù nề, từ đó giúp thư giãn các cơ bị co cứng, giảm đau mỏi hiệu quả. Ngoài ra, xoa bóp còn có tác dụng kích thích hệ thống lympho, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể; tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh để điều hòa các hoạt động của thần kinh trung ương, làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, phục hồi sức khỏe.

Để việc xoa bóp được trôi chảy và hiệu quả, bạn có thể sử dụng thêm các nguyên liệu hỗ trợ như dầu xoa bóp, dầu thiên nhiên hoặc rượu thuốc. Tham khảo và lựa chọn 1 trong 2 cách xoa bóp dưới đây dể tiến hành nhé:

  • Cách xoa bóp giảm mỏi cổ bằng dầu dừa:

Bạn lấy một ít dầu dừa đem đi hâm nóng. Sau khi tắm nước ấm xong, bạn lau khô da, thoa dầu dừa lên vùng cổ bị nhức mỏi rồi xoa bóp nhẹ nhàng kết hợp các động tác day, nắn, véo để thư giãn cơ. Xoa bóp khoảng 10 – 15 phút thì dùng khăn ấm lau sạch dầu dừa.

  • Cách xoa bóp chữa mỏi cổ bằng rượu gấc:

Dân gian thường sử dụng rượu gấc trong các trường hợp té ngã, chấn thương, sưng đau khớp, mỏi cơ… Vì vậy, bạn có thể dùng rượu gấc để chữa đau mỏi vùng cổ và vai gáy tại nhà.

Nếu không có sẵn rượu gấc, bạn có thể làm để dành sử dụng. Cách tiến hành như sau, đem 50 hạt gấc chín đi nướng xém vỏ, sau đó đập dập lấy phần nhân bên trong. Giã nát nhân hạt gấc rồi cho vào ngâm chung với rượu trắng 45 độ sao cho rượu ngập nhân hạt gấc. Ngâm rượu khoảng 1 tuần hơn là có thể dùng, nếu để càng lâu thì càng tốt. Khi xoa bóp, bạn cho rượu gấc ra lòng bàn tay xoa lên những vùng bị đau mỏi từ 5 – 10 phút. Chắc chắn bạn sẽ thấy cơn đau thuyên giảm rõ rệt.

# Cách 3: Hết mỏi cổ nhờ tập thể dục

Theo lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM), trong trường hợp mới bị đau mỏi cổ gáy, bạn có thể tự cải thiện và điều chỉnh bằng cách tập luyện một số bài tập đơn giản dưới đây:

  • Bài tập 1:

Bạn ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, thư giãn toàn thân. Nếu đứng thì hai chân đứng rộng bằng vai, thả lỏng toàn bộ các cơ ở cổ, hai mắt nhìn thẳng, hít thở tự nhiên. Sau đó, dùng tay xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

  • Bài tập 2:

Tiếp theo, bạn cúi gập đầu xuống (thở ra), ngẩng đầu cao, mắt nhìn lên trần nhà (hít sâu vào). Động tác cúi xuống và ngẩng lên là 1 lần. Bạn thực hiện lặp lại động tác này 10-20 lần. Sau đó, bạn tiếp tục xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

  • Bài tập 3:

– Bạn nghiêng đầu qua trái sao cho lỗ tai bạn chạm đến mỏm vai trái, kết hợp thở ra. Sau đó, xoay đầu qua phải, tai chạm mỏm vai phải, kết hợp hít vào. Lặp lại động tác này từ 5 – 10 lần rồi đổi bên (nghiêng qua phải -thở ra, nghiêng qua trái -hít vào), thực hiện thêm 5 – 10 lần.

– Bạn xoay đầu qua trái sao cho cằm chạm vai trái, kết hợp thở ra. Sau đó, xoay đầu qua phải, cằm chạm vai phải, kết hợp hít vào.  Lặp lại động tác này từ 5 – 10 lần rồi đổi bên (xoay đầu qua phải – thở ra, xoay đầu qua trái – hít vào), thực hiện thêm 5 – 10 lần.

Ba động tác này có tác dụng thư giãn cơ cổ và vai, giúp các đốt sống cổ linh hoạt và hoạt động tốt hơn. Đồng thời, các bài tập này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng co cứng cơ cổ, tê mỏi hai cánh tay và bàn tay ở bệnh thoái hoá cột sống cổ.

Chú ý:

Sau khi thực hiện các động tác trên, bạn nên đi lại một chút hoặc thực hiện các động tác đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng để có thể bổ trợ cho sức khoẻ toàn cơ thể. Khi ngồi  làm việc, bạn cần chú ý điều chỉnh chiều cao giữa ghế và bàn làm việc sao cho đầu không phải cúi hay ngẩng khi nhìn vào màn hình máy tính nhé. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được chứng nhức mỏi vùng cổ vai gáy đấy.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn thực hiện thành công!

BẠN ĐỌC CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *